Peel da có gây ung thư không?
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam
Chữ ký số: Giải pháp tiện lợi và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế tri thức
Ngành Hải quan nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Peel da là phương pháp sử dụng chất hóa học để phá hủy các tế bào ngoài cùng của da bị hư hỏng. Sau đó, lớp da này sẽ được tái tạo từ tế bào đáy ở thượng bì hoặc trong các phần phụ của thượng bì như nang lông. Phương pháp này giúp loại bỏ tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn, nằm sâu trong lỗ chân lông nhằm thúc đẩy quá trình thay và tái tạo da mới. Những hoạt chất thường được sử dụng để peel da gồm: Salicylic Acid (BHA), Glycolic Acid (AHA), Trichloroacetic Acid (TCA)...
Chemical peel (lột da) có lịch sử từ rất lâu đời. Thời Ai Cập cổ đại phụ nữ đã biết dùng sữa chua đắp lên da để làm đẹp da. Phụ nữ quý tộc thì tắm bằng sữa Dê. Bản chất vấn đề là trong sữa có Axit Lactic - một AHA có tác dụng peel nhẹ.
Nhưng phải đến giữa thế kỷ 20 thì peel da mới được nghiên cứu một cách khoa học và đầy đủ. Cho đến nay, Bộ Y tế hầu hết quốc gia trên thế giới đều chấp nhận peel da là một kỹ thuật y khoa trong chuyên ngành da liễu.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA ) chấp nhận Peel da là phương pháp an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên với các sản phẩm không rõ nguồn gốc và có nồng độ Axit mạnh thì cần được FDA xác thực để bảo đảm tính an toàn. Thống kê ở Mỹ cho thấy Peel da là một trong 4 phương pháp làm đẹp không xâm lấn phổ biến nhất hiện nay theo thứ tự: Botox, Filler, Laser và Peel. Năm 2022 thị trường Mỹ chi gần 2 tỷ đô la cho các sản phẩm Peel.
Tác dụng của peel da đối với làn da
Peel da giúp trị mụn: Đây là thành phần axit can thiệp sâu vào ổ vi khuẩn gây mụn, vùng chứa nhiều da chết, dầu thừa. Từ đó hỗ trợ làm sạch sâu những tuyến nang lông bị tắc nghẽn, nhanh chóng làm khô cồi mụn và đẩy mụn lên khỏi bề mặt da nhẹ nhàng. Ngoài việc điều trị mụn, hoạt chất peel có thành phần acid còn giúp ngăn ngừa mụn xuất hiện một cách hiệu quả.
Peel da là gì, có gây ung thư không?
Peel da giải quyết tình trạng sắc tố trên da: Các axit có nồng độ trung bình ở ngưỡng cho phép là hình thức peel da thường dùng để trị thâm sạm, nám, tàn nhang. Các hoạt chất này tác động trực tiếp lên bề mặt da rồi đi từ lớp nhú bì đến lớp bì lưới của trung bì đến những vùng da cần điều trị, làm bong tróc một phần nám ở bề mặt da.
Phương pháp peel da này thường được sử dụng từ trung bình đến cao, vì vậy hình thức peel này được các bác sĩ chuyên sâu về Da liễu – Thẩm mỹ Da khuyến cáo không tự thực hiện tại nhà, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Mới đây, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã tiếp nhận thiếu nữ 14 tuổi đến khám trong tình trạng da đỏ rát, bong tróc, loang lổ những vết lớn nâu đen xen lẫn đỏ hồng. Trước đó, bệnh nhân tự dùng tinh chất hồng sâm mua trên mạng để lột (peel da) trị mụn.
Bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, bệnh nhân trú tại tỉnh Tiền Giang bị viêm da tiếp xúc dị ứng, cần thời gian điều trị kéo dài. Một trường hợp tương tự, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ 37 tuổi đến khám với da khắp mặt nổi đầy mụn nước có dịch vàng đục, nhiễm trùng nặng sau hai ngày bôi một loại thuốc rượu để điều trị mụn.
Peel da có làm mỏng da và gây ung thư da?
Đây là câu hỏi mà mọi người thường suy luận rằng sau khi peel, da sẽ mỏng và tia cực tím dễ gây ra ung thư da. Tuy vậy một nghiên cứu tổng quan của 42 nghiên cứu về peel da cho thấy thực tế khác hẳn.
Các nghiên cứu này đều chứng minh peel da giúp giảm nguy cơ gây ung thư da. Lý giải điều này do tế bào tiền ung thư thường bắt đầu hình thành từ bề mặt nông của da (tiếp xúc nhiều với tia UV) sau đó mới xâm lấn xuống các lớp sâu hơn. Peel giúp loại bỏ sớm các tế bào tiền ung thư từ lúc mới hình thành.
Theo ThS. BS Nguyễn Thị Thu Phương, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, peel da hay còn gọi là thay da hoặc lột da, là phương pháp phá hủy có kiểm soát thượng bì hoặc trung bì giúp bong vảy da đồng nhất. Từ đó, loại bỏ tế bào chết, tổn thương sắc tố và tăng sinh tế bào mới, tái tạo làn da mới sáng khỏe hơn. "Hiện nay, do nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp peel da ngày càng lớn nên nhiều sản phẩm peel da được bày bán tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, việc tự mua sản phẩm và thực hiện peel da tại nhà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, chuyên gia cảnh báo.
“Vì vậy, để peel da hiệu quả và an toàn, giúp làn da được tái sinh tươi mới, mọi người nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám, đánh giá và thực hiện bởi các bác sĩ da liễu có nhiều kinh nghiệm”, bác sĩ Thu Phương khuyến cáo.
Thanh Hiền (t/h)