"Phan Huyền Thư xin lỗi mấy lần nhưng vẫn không thành thật"

author 14:51 23/10/2015

(VietQ.vn) - “Những gì cần nói tôi đã nói hết rồi. Quyền phán xét là quyền của mọi người. Tôi không thể đi thanh minh với từng người. Tôi rất xin lỗi”

Liên quan đến vụ việc Phan Huyền Thư “đạo thơ” của Phan Ngọc Thường Đoan, động thái mới nhất là nữ tác giả này vừa gửi lá thư xin lỗi lần thứ hai tới nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, khẳng định bài thơ “Bạch lộ” ra đời sau bài thơ “Buổi sáng”. Trong bức thư này, Phan Huyền Thư cũng khẳng định sẽ tiêu hủy bài “Bạch lộ”. “Kính gửi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan!

Phan Huyền Thư: Những gì cần nói tôi đã nói hết

Bài thơ "Bạch lộ" của Phan Huyền Thư và bài thơ "Buổi sáng" của Nguyễn Ngọc Thường Đoan

Trên công luận, hôm nay tôi chính thức gửi lời xin lỗi tới cá nhân chị. Tôi sẽ coi đây là một bài học lớn trong đời mình, một bài học sâu sắc nhất về thái độ sống và viết.

Tôi cũng xin chính thức tiêu hủy bài thơ "Bạch lộ" trong các lần ấn bản, tái bản sau này, để từ nay trong gia tài văn học Việt Nam chỉ còn tồn tại một bài thơ "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan đã từng xuất bản trong tập thơ“ Đếm Cát” năm 2003 mà thôi”, Phan Huyền Thư viết.

Ngay sau khi bức thư của Phan Huyền Thư được phát đi, Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam cũng tuyên bố ngừng phát hành tập thơ “Sẹo độc lập” do Nhã Nam và NXB Lao Động liên kết xuất bản năm 2014.

Tưởng vụ việc đã khép lại ở đây như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội nói: “Tôi cho rằng đây là động thái rất dũng cảm của Phan Huyền Thư, mọi việc đã rõ ràng và nên khép lại ở đây”.

Phan Huyền Thư: Những gì cần nói tôi đã nói hết

Phan Huyền Thư buồn rầu cho rằng, những gì chị muốn nói đã nói hết, quyền phán xét là của mọi người

Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, trong cả hai lần xin lỗi, Phan Huyền Thư đã cố tình né tránh và không đề cập thẳng vào bản chất vấn đề là đã “đạo” lại bài thơ “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Việc chỉ thừa nhận bài thơ “Bạch lộ” của chị ra đời sau khi đã quanh co biện minh không thành công là chưa đủ.

Cụ thể, phát biểu trên báo chí, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho rằng, ông không đồng tình với sự quanh co của Phan Huyền Thư. “Phan Huyền Thư đã có những hành động thể hiện sự tự trọng, dũng cảm nhất định như công khai xin lỗi, trả lại bằng chứng nhận và giải thưởng. Nhưng tôi không thể đồng tình với sự quanh co qua lần xin lỗi mới này. Thư nên nói một cách đơn giản: Tôi đã lấy thơ chị ấy, tôi đã sai lầm, một sai lầm không thể tha thứ, không thể lặp lại... Lẽ ra Thư nên thông báo cho Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trước rồi hẵng tung ra dư luận. Thư làm như thế là tự làm khó, chưa thực sự thấy lỗi của mình, mấy lần xin lỗi mà vẫn không thành thật”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nói.

Với tâm lý chung của người Việt “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, hầu hết mọi người đều cho rằng sau Phan Huyền Thư công bố lá thư xin lỗi lần thứ hai khẳng định bài thơ “Bạch lộ” của mình ra đời sau “Buổi sáng” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan thì mọi việc đều đã rõ ràng và nên khép lại vụ việc. Tuy nhiên, quan điểm của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại không phải là không đáng lưu tâm bởi nhìn lại quá khứ, đây đã là lần thứ 3 Phan Huyền Thư phải lên tiếng xin lỗi vì nghi án “đạo thơ” người khác.

Còn nhớ, hồi năm 2007, Phan Huyền Thư từng bị tố “đạo” văn của 2 tác giả Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc trong bài giới thiệu về cố nhà thơ Thanh Tâm Tuyền tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5, tổ chức tại Văn Miếu. Vụ việc này sau đó bị tác giả Hoàng Ngọc Tuấn, một người sống ở nước ngoài, phát hiện và đưa vào trong bài viết có tựa đề "Vài suy nghĩ về cây thơ Thanh Tâm Tuyền trên sân Văn Miếu", đăng ngày 11/3/2007.

Ngay sau đó, Phan Huyền Thư đã gửi thư xin lỗi công khai đến hai tác giả Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc nhưng chị cũng cho rằng việc lấy thông tin của Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc để sưu tầm làm tư liệu viết bài chứ không phải đạo văn dù chị đưa vào bài viết của mình mà không hề dẫn nguồn.

Đến năm 2015, bài thơ "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" trong tập thơ "Sẹo độc lập" bất ngờ có những câu mở đầu rất giống với tác phẩm nổi tiếng "Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển" của nhà thơ Du Tử Lê, sáng tác năm 1977. Phan Huyền Thư đã bắt chước cách khởi ý của Du Tử Lê khi mở đầu bằng câu thơ đã quá nổi tiếng “Nếu tôi chết hãy mang tôi ra biển” của Du Tử Lê.

Lần thứ ba chính là vụ đạo thơ của Phan Ngọc Thường Đoan đang gây xôn xao dư luận và làng thơ Việt Nam những ngày cuối tháng 10/2015. Ở lần này, điều đáng nói là trước khi sự việc được sáng tỏ, Phan Huyền Thư đã khiến dư luận khó hiểu vì liên tục công khai những thông tin để biện minh. Chị cho rằng mình đã sáng tác bài thơ vào năm 1996, tức 4 năm trước khi "Buổi sáng" ra đời. Khi dư luận đi đến đỉnh điểm, Phan Huyền Thư  xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan lần thứ hai và tuyên bố sẽ tiêu hủy bài thơ "Bạch lộ" của mình để trong kho tàng văn học Việt Nam sẽ chỉ con lại duy nhất một bài "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan.

Tuy nhiên, ngay cả xin lỗi đến hai lần thì nhiều nhà thơ và dư luận vẫn cho rằng, cách xin lỗi của cô vẫn còn vòng vo, thiếu chân thành sau khi đã biện minh thất bại.

Trả lời câu hỏi của Chất lượng Việt Nam về phản ứng của dư luận, sáng 23/10, Phan Huyền Thư cho rằng: “Những gì cần nói tôi đã nói hết rồi. Quyền phán xét là quyền của mọi người. Tôi không thể đi thanh minh với từng người. Tôi rất xin lỗi”, Phan Huyền Thư nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang