Phát hiện bánh trung thu nhiễm khuẩn E.coli và nấm mốc

author 02:23 17/09/2013

(VietQ.vn) – Thiếu hướng dẫn thông tin cảnh báo, sử dụng nguyên liệu và phụ gia không an toàn, 3/10 mẫu bánh trung thu được Trung tâm kỹ thuật (Quatest1) kiểm nghiệm nhiễm khuẩn E.coli và TS nấm men mốc gấp nhiều lần cho phép.

Ảnh minh họa

Ăn gian định lượng

Theo thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), kết quả kiểm tra một số công ty, cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn của 2 đoàn liên ngành do Bộ Y tế chủ trì tại 6 tỉnh, thành phố (TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng) cuối tháng 8 vừa qua cho thấy: Hầu hết các công ty đều tuân thủ mọi điều kiện an toàn thực phẩm, không có sai phạm đáng kể. Tuy nhiên, những sai phạm lại rơi vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu nhỏ lẻ.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra ban đầu sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn TP đã cơ bản bảo đảm quy định về chất lượng an toàn thực phẩm. Lỗi vi phạm chủ yếu trong sản xuất là không ghi định lượng hoặc không đủ định lượng, kinh doanh bánh Trung thu không sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động trong chế biến thực phẩm.

Kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất bánh trung thu tại xã Xuân Đỉnh ( Từ Liêm, Hà Nội), cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở đong thiếu trọng lượng đối với các loại bánh trung thu.  Chẳng hạn bao bì ghi định lượng 200gr nhưng khi cơ quan kiểm tra cân thử thì hầu hết những chiếc bánh trung thu ở các cơ sở này đều thiếu 0,2gr.

E.coli gấp 3 lần - TS men mốc gấp 780 lần cho phép

Theo kết quả thử nghiệm bánh trung thu của Quatest 1 do Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa gửi mẫu cho thấy 3/10 mẫu không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, 2/10 mẫu vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho biết: Thực hiện kế hoạch khảo sát chất lượng bánh Trung thu năm 2013, Cục đã tiến hành lấy mẫu thử nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng bán bánh nướng, bánh dẻo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kết quả cụ thể như sau: Phát hiện mẫu bánh dẻo đậu xanh của Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội, bán tại cửa hàng Hapro Food -101 E7 Tạ Quang Bửu có chỉ tiêu TS nấm men-mốc gấp 22 lần giới hạn cho phép; Bánh dẻo thập cẩm zăm bông của Cơ sở Hoàng Dũng – số 9, ngõ 134 Nguyễn An Ninh có chỉ tiêu TS nấm men-mốc gấp 780 lần giới hạn cho phép; Bánh dẻo thập cẩm không trứng được bán tại cửa hàng bánh bà Dần số 52 Hàng Bè có chỉ tiêu TS men nấm-mốc gấp 9,1 lần giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, mẫu bánh dẻo này còn bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli gấp 3 lần giới hạn cho phép. “Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã đề nghị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tố chức kiểm tra trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu có mẫu thử không đạt chất lượng nói trên. Đồng thời cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra những loại bánh sản xuất từ những nguyên liệu mới để bánh trung thu lưu thông trên thị trường đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Tuấn cho biết.

Cẩn trọng với bánh có nguyên liệu không rõ nguồn gốc Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm : “Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, những hóa chất độc hại do sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu...).

Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa đựng các “tác nhân” gây ô nhiễm bánh. Nhưng vì "lợi nhuận" nhiều nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định an toàn thực phẩm, chất lượng nguyên liệu để sản xuất, khai thác nguồn hàng để kinh doanh. Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn. “Để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thị trường bánh trung thu, người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng có tính quyết định. Việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn cơ sở kinh doanh bánh và sử dụng bánh, người tiêu dùng góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh bánh trung thu trên thị trường thông qua quyền "giám sát" và quyền "tẩy chay" sản phẩm”, TS. Hùng nói.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang