Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Nhìn từ kinh nghiệm các nước trên thế giới

author 14:01 19/12/2022

(VietQ.vn) - Thực tế lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam những năm gần đây cũng được chú trọng tuy nhiên phát triển còn chưa tương xứng do nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách và từ chính doanh nghiệp. Bài học về sự phát triển CNHT của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… sẽ là kinh nghiệm quý báu để các doanh nghiệp trong nước học hỏi và phát triển.

Cùng nhìn lại kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ tại các nước trên thế giới.

Sự phát triển CNHT của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… sẽ là kinh nghiệm quý để DN trong nước học hỏi. 

Nhật Bản lên danh mục sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ

Nhật Bản đã có các chính sách ưu tiên phát triển CNHT từ rất sớm. Năm 1949, nước này ban hành Luật về hợp tác với doanh nghiệp, mục đích bảo vệ quyền đàm phán và tạo điều kiện cho các nhà thầu phụ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm xúc tiến các hoạt động “thầu phụ” (cũng chính là các hoạt động sản xuất CNHT).

Những năm 1950, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Phòng chống trì hoãn thanh toán chi phí thầu phụ và các vấn đề liên quan, nhằm ngăn chặn tình trạng chiếm dụng vốn của các công ty lớn với các nhà thầu phụ. Đến những năm 1970 lại có Luật Xúc tiến doanh nghiệp cung ứng nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà cung ứng và họ đã phát triển rất mạnh, trở thành lực lượng sản xuất quan trọng của công nghiệp Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra các chính sách ưu tiên phát triển những sản phẩm cụ thể, đặc biệt là công nghiệp cơ khí và điện tử, trong đó chú trọng đến các sản phẩm CNHT. Có thể kể đến hai đạo luật quan trọng là Luật về Biện pháp ngắn hạn khuyến khích công nghiệp cơ khí và Luật về Biện pháp ngắn hạn khuyến khích ngành công nghiệp điện tử.

Theo đó, Chính phủ sẽ có trách nhiệm đảm bảo vốn đầu tư cần thiết cho việc trang bị thiết bị nhằm hợp lý hoá việc sản xuất và nhiều ưu đãi khác. Đi kèm hai đạo luật này là danh mục chi tiết các sản phẩm được ưu tiên phát triển.

Danh mục được xem xét, đề xuất và liên tục cập nhật bởi Ban Thẩm tra Công nghiệp cơ khí và Ban Thẩm tra Công nghiệp điện tử. Hai ban này được đặt tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), với thành viên được Bộ trưởng Bộ kinh tế, Thương mại và Công nghiệp bổ nhiệm từ những cán bộ của các tổ chức hành chính liên quan và chuyên gia trong các lĩnh vực công nghiệp. Tuy gọi là biện pháp ngắn hạn nhưng hai đạo luật này đã được duy trì hàng chục năm.

Có thể thấy Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra danh mục các sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ rất chi tiết và cụ thể, trong đó chú trọng đến CNHT, từ nguyên liệu đầu vào, máy móc sản xuất, linh kiện quan trọng cho đến cả chu trình gia công và thiết bị kiểm tra đầu cuối. Các chính sách trên đã giúp ngành CNHT của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, đưa Nhật Bản từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh trở thành cường quốc về công nghiệp.

Hiện nay, CNHT của Nhật Bản đã dần chuyển sang nước ngoài, trong nước chủ yếu hướng vào các sản phẩm chủ chốt, có giá trị và công nghệ cao. Tuy nhiên vẫn có một cơ quan thuộc METI chuyên phụ trách CNHT. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước, thông tin, liên kết mọi mặt hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT.

Hàn Quốc xây dựng doanh nghiệp đầu tàu

Đầu những năm 1960, Hàn Quốc đã vạch ra chiến lược chọn một số tập đoàn mạnh để phát triển kinh tế quốc gia theo hướng xuất khẩu, đồng thời thay thế hàng nhập khẩu. Sự hợp tác giữa Chính phủ với các tập đoàn, công ty thuộc sử hữu gia đình- Chaebol - đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo nên những thành công đáng kinh ngạc của Hàn Quốc.

Cùng với sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các Chaebol, CNHT tại Hàn Quốc phát triển mạnh vào thập niên 1970 và 1980 (ở Hàn Quốc, CNHT được gọi là công nghiệp vật liệu và phụ tùng). Song song với việc phát triển các Chaebol, Chính phủ Hàn Quốc đã buộc các tập đoàn này phải chuyển phần sản xuất linh kiện, phụ tùng sang doanh nghiệp nhỏ để tạo sự lan toả và gia tăng tính cạnh tranh, đồng thời đẩy mạnh phát triển CNHT.

 Tập đoàn SamSung - Hàn Quốc.

Năm 1975, Luật Xúc tiến thầu phụ được ban hành, trong đó chỉ định một số ngành công nghiệp cũng như sản phẩm trong các ngành này là các linh phụ kiện. Luật yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải mua ngoài mà không được tự sản xuất các sản phẩm này. Số lượng sản phẩm này tăng từ 41 loại (năm 1979) lên 1.553 (năm 1984) và giảm  xuống còn 1.053 loại vào năm 1999.

Năm 2005, Chính phủ Hàn Quốc triển khai Chiến lược phát triển nguyên liệu và linh phụ kiện nhằm phát triển CNHT trong công nghiệp ô tô và công nghiệp điện tử, trong đó chỉ định rõ Samsung và Lucky Gold Star là các doanh nghiệp hạt nhân, với một số nhà sản xuất chuyên cung ứng linh phụ kiện phải phát triển các sản phẩm này để thay thế nhập khẩu. Chương trình này bắt buộc các doanh nghiệp hạt nhân phải cam kết mua linh kiện của các doanh nghiệp cung ứng này. Chiến lược được đánh giá thành công, vì các ngành CNHT ở Hàn Quốc đã phát triển rất nhanh.

Hiện nay, công nghiệp vật liệu và phụ tùng của Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn đòi hỏi giá trị gia tăng rất cao trong sản phẩm như hỗ trợ cho các hoạt động R&D, đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp. 

Cơ quan chuyên trách cho các ngành công nghiệp này đặt tại Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE), với một bộ phận chuyên về các ngành công nghiệp vật liệu và phụ tùng. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chủ yếu thông qua Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KIAT).

Quy hoạch tổng thể CNHT tại Thái Lan

Cơ quan chuyên trách thực hiện các chương trình hỗ trợ, xúc tiến cho CNHT tại Thái Lan là Ban Phát triển CNHT (BSID), được thành lập năm 1996, trực thuộc Cục Phát triển công nghiệp (DIP), Bộ Công nghiệp Thái Lan (MOI). Với nguồn ngân sách trong nước và hỗ trợ nước ngoài, BSID đã xây dựng các dự án hữu ích, tập trung vào ba khía cạnh chính là con người, công nghệ và liên kết, cũng như thúc đẩy, mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ, đào tạo và tư vấn kỹ thuật. BSID định hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhà khởi nghiệp, các cơ quan hỗ trợ và nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, DIP/MOI còn có một ban quan trọng khác nhằm phục vụ mục đích thúc đẩy CNHT là Ban phát triển các nhà cung cấp dịch vụ (BSPD) chịu trách nhiệm đào tạo các nhà tư vấn, quản lý và dịch vụ phục vụ doanh nghiệp.

Hai chính sách, chiến lược then chốt về xúc tiến CNHT là Quy hoạch tổng thể CNHT năm 1995 và Quy hoạch tổng thể ngành ô tô 2007 - 2011.

Quy hoạch tổng thể CNHT tập trung vào ngành công nghiệp ô tô và điện – điện tử, đưa ra danh mục linh kiện và phụ tùng của các ngành này với hiện trạng cụ thể (nhập khẩu hay nội địa hóa) và các bảng tóm tắt biện pháp đề xuất. Đây là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan đưa ra các ưu đãi và chương trình phát triển cụ thể.

Quy hoạch tổng thể ngành ô tô 2007-2011 có tầm nhìn là “Thái Lan là cơ sở sản xuất ô tô ở Châu Á tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho đất nước với ngành công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô mạnh”. Với tầm nhìn đó quy hoạch này tập trung vào các chương trình hành động phát triển CNHT như phát triển nhà cung cấp, phát triển chuỗi cung cấp, xúc tiến đầu tư và kết nối doanh nghiệp.

Về ưu đãi đầu tư, hiện nay tại Thái Lan, Ủy ban Đầu tư (BOI) chịu trách nhiệm về phê duyệt và cấp ưu đãi đầu tư.

Song song với các chính sách ưu đãi Chính phủ Thái Lan cũng thúc đẩy CNHT thông qua các chương trình hợp tác với Nhật Bản, thành lập các khu CNHT, lồng ghép với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SME và đặc biệt là chương trình phát triển liên kết công nghiệp-BUILD.

BUILD được xây dựng năm 1992 với mục đích xác định nhu cầu của các nhà lắp ráp chế tạo và kết nối họ với nhà lắp ráp trong nước, một số chương trình tiêu biểu của BUILD như: Chương trình nhà cung cấp gặp khách hàng, hội chợ ngược, chương trình nguồn cung ứng, cơ sở dữ liệu về CNHT ASEAN…

Lê Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang