Phía sau tấm thẻ "bảo hành nhan sắc"

author 15:26 25/10/2013

(VietQ.vn) - Phát thẻ bảo hành cho khách hàng sau khi trị liệu spa, phẫu thuật thẩm mỹ là cách thức mà một số spa, cơ sở thẩm mỹ thực hiện nhằm khiến khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ, nó cũng là phương pháp tăng uy tín của đơn vị thực hiện. Tuy nhiên thực tế, không phải nơi nào cũng chu đáo khi khách hàng quay lại sử dụng tấm thẻ kia.

Cuộc đua thẻ bảo hành

Làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ giờ đã trở thành những khái niệm quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam. Cuộc chạy đua sắc đẹp ngày càng chứng tỏ độ “hot”, độ “thời thượng” khi chị em “nô nức” đi sửa sang những điểm chưa vừa ý trên cơ thể. Cơn lốc “đẹp lên nhờ dao kéo” còn không ngừng được khích lệ, cổ vũ nhờ sự phát triển, mọc lên như nấm sau mưa của các cơ sở thẩm mỹ.

Các thẩm mỹ viện, spa, trung tâm thẩm mỹ cũng bước vào một cuộc đua khốc liệt để câu kéo khách hàng từ mặt tiền, đội ngũ y bác sỹ, thái độ phục vụ, trang thiết bị máy móc, các sản phẩm hỗ trợ… Đặc biệt, một số ít các thẩm mỹ viện, trung tâm thẩm mỹ còn áp dụng chiêu bài “bảo hành nhan sắc” cho khách hàng. Theo họ, đây là phương thức chứng tỏ rằng trung tâm, thẩm mỹ viện đó luôn đồng hành, theo dõi và đảm bảo an toàn cho vẻ đẹp lâu bền của khách. 

Những tấm thẻ bảo hành được sử dụng như một cách thể hiện trách nhiệm uy tín của các cơ sở thẩm mỹ (ảnh chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung trong bài viết)

Thời gian và nguyên tắc bảo hành cũng khác nhau tùy theo dịch vụ mà khách hàng thực hiện. Với các dịch vụ spa như dưỡng trắng da, triệt lông vĩnh viễn, thời gian bảo hành thường là 6 tháng; phẫu thuật cắt mí, bấm mí thường bảo hành 1 – 2 năm; phẫu thuật nâng ngực, gọt cằm, độn mông kéo dài từ 2 – 3 năm… Nhiều nơi khuyến khích khách hàng tới kiểm tra định kì, số khác “chơi trội” bằng cách bảo hành trọn đời, bảo hành không giới hạn cho người sử dụng dịch vụ.

Chị Thùy Dương (25 tuổi, Kim Mã, Hà Nội) cho biết, tùy từng nơi và giá thành các gói dịch vụ khách hàng lựa chọn mà phiếu bảo hành sẽ có sự thay đổi nhỏ. Với các nơi uy tín, thời gian bảo hành thường lâu hơn, khi khách hàng chưa hài lòng về sự thành công của ca phẫu thuật, gói trị liệu, họ tới đòi quyền bảo hành thì nhân viên sẽ tư vấn kỹ lưỡng, chăm sóc chu đáo, sửa sang lại những điểm khách hàng chưa ưng ý mà không thu thêm phí. Đây chính là cách để các spa, thẩm mỹ viện giữ khách. Chị Dương chia sẻ: “Tôi đã từng dùng gói triệt lông vĩnh viễn giá 10.000.000 đồng của một spa ở Đường Láng. Họ bảo hành 6 tháng cho gói đó. Trong suốt thời gian ấy, tôi thường xuyên tới đây để được chăm sóc, kiểm tra định kỳ và khá hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên”.

Tuy nhiên theo chị Dương không phải cơ sở thẩm mỹ nào cũng vậy, với những nơi có giá dịch vụ “bèo”, hoạt động “chui” thì chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng thẻ bảo hành có thể sẽ không như mong muốn. Nhân viên khó chịu, rũ bỏ trách nhiệm, bắt bẻ lý do để làm khó khách hàng sẽ khiến khách hàng tức giận, cảm thấy phiền hà và tấm thẻ đó có lẽ dù là “bảo hành trọn đời” thì cũng chỉ sử dụng trong một lần duy nhất.

Quảng cáo một đằng, “bảo hành” một nẻo

Trên diễn đàn danluat.thuvienphapluat.vn, chị Lê Vân (Hà Nội) - nickname vanda435 đã kể một câu chuyện vô cùng bức xúc về dịch vụ bảo hành của một thẩm mỹ viện. Cụ thể, bạn của chị Vân đã tiến hành sử dụng dịch vụ trị mụn và thâm tại một trung tâm thẩm mĩ. Trước khi điều trị, trung tâm này đã đưa cam kết và đưa giấy bảo hành để hai bên ký, trong đó nhấn mạnh sau khi liệu trình kết thúc, khách hàng sẽ khỏi 100%, đồng thời bảo đảm các sản phẩm sử dụng trong quá trình điệu trị đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trong quá trình sử dụng dịch vụ, bạn chị Vân đã được phát kem bôi da không có nhãn hiệu, nguồn gốc mập mờ, một số kem được quảng cáo là xuất xứ từ Pháp nhưng chỉ là kem Trung Quốc trá hình. Sau khi liệu trình kết thúc, người bạn này không đạt được kết quả như mong đợi nên mang theo giấy bảo hành đến trung tâm thẩm mĩ yêu cầu bồi hoàn lại chi phí (theo đúng quy định của giấy bảo hành) thì đã bị nhân viên từ chối một cách vô văn hóa. Phía trung tâm thẩm mĩ một mực đổ trách nhiệm cho bạn của chị Vân. Trong giấy bảo hành không hề đề cập đến quy trình cụ thể về bôi kem thế nào là đúng là sai, không có bằng chứng cụ thể song họ vẫn quy kết rằng bạn chị không sử dụng kem ở nhà đúng cách để rũ bỏ trách nhiệm.

Nếu cơ sở tuân thủ nguyên tắc bảo hành thì khách hàng có lợi còn nếu chỉ là chiêu đánh bóng thì khách sẽ tiền mất tật mang (ảnh chỉ mang tính minh họa không liên quan nội dung bài viết)

Cũng theo chị Vân, vấn đề này theo không phải chỉ có một trường hợp của bạn chị  mà từng có rất nhiều nạn nhân đã phải chịu đựng tiền mất, tật mang, cắn răng bỏ qua. Hiểu biết của người Việt Nam về vấn đề này vẫn còn hạn hẹp, dẫn đến việc nhiều trung tâm thẩm mĩ dù làm sai song không hề sợ sệt, vẫn tiếp tục kinh doanh thất đức trên sức khỏe của người khác.

Có thể thấy các cơ sở thẩm mỹ mở ra ngày càng nhiều nhưng không theo một tiêu chuẩn chung dẫn tới sự xuất hiện dày đặc của các thẩm mỹ viện rởm, salon, spa kém chất lượng coi nhẹ sức khỏe và an toàn tính mạng của khách hàng. Thẻ bảo hành của các thẩm mỹ viện, spa nếu được sử dụng đúng theo ý nghĩa vốn có của nó là “bảo hành” thì sẽ mang một ý nghĩa tốt, khách hàng được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu tấm thẻ đó chỉ là thứ vũ khí để đánh bóng tên tuổi, để thẩm mỹ viện tăng khả năng chiến thắng trong cuộc đua câu kéo khách hàng với các cơ sở khác thì rất đáng bị lên án và xử lý.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang