Quản lý chặt, không để dây chuyền công nghệ cũ 'tuồn' vào Việt Nam

author 06:05 09/07/2020

(VietQ.vn) - Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua đã xây dựng giải pháp kỹ thuật để quản lý chặt chẽ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, tránh việc lợi dụng các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư để đưa vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng kém.

Siết chặt quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong 6 đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; tiếp tục triển khai các bước quy trình xây dựng, hoàn thiện các đề án: Đề án thí điểm bảo lãnh thông quan; đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”; hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Để đảm bảo công tác quản lý, sử dụng máy soi container, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành loạt quyết định như: Quyết định số 1471/QĐ-TCHQ ngày 01/6/2020 về Quy trình lựa chọn, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container; hoàn thiện Quy chế xác định trọng điểm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; sửa đổi, bổ sung các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, sử dụng và vận hành máy soi container; xây dựng giải pháp công nghệ thông tin để kết nối thông tin, dữ liệu từ máy soi container, hệ thống camera giám sát với hệ thống nghiệp vụ hải quan và ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng ban hành Quy trình thí điểm về nghiệp vụ quản lý, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan vận chuyển bằng container (kèm theo Quyết định số 138/QĐ-TCHQ ngày 21/1/2020); Quy chế phối hợp xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa XK, NK, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các quốc gia bị áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (kèm theo Quyết định số 192/QĐ-TCHQ ngày 4/2/2020) để quản lý hải quan.

Ảnh minh họa 

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa được coi là trọng tâm

Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng giải pháp kỹ thuật để quản lý chặt chẽ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, tránh việc lợi dụng các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư để đưa vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng kém.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo hệ thống có thể hỗ trợ nhận biết được các mặt hàng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, đảm bảo việc phân luồng và áp dụng chính sách quản lý một cách chính xác, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn quản lý mặt hàng khí N2O, đồng thời cung cấp căn cứ pháp lý cho việc xử lý vi phạm để đảm bảo công tác quản lý đối với mặt hàng đặc biệt này.

Công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa tiếp tục là lĩnh vực quan trọng được chú trọng quan tâm. Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BTC ngày 16/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ban hành công văn hướng dẫn. Thông tư được ban hành đã tạo thuận lợi cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, người được ủy quyền hợp pháp áp dụng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, phế liệu nhập khẩu tiếp tục là mặt hàng trọng điểm cần tăng cường quản lý, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn phân loại xác định hàng hóa tồn đọng là phế liệu, xác định doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá mua phế liệu tồn đọng để xử lý tồn phế liệu tại cảng biển…

Tổng cục Hải quan đánh giá, trong 6 tháng đầu năm công tác giám sát, quản lý về hải quan tiếp tục được tăng cường trên tất cả các khâu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn qua quá trình nghiên cứu, rà soát để xây dựng đề án “Quản lý hoạt động thương mại điện tử qua biên giới” phát sinh một số khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh và xử lý vi phạm liên quan đến giao dịch thương mại điện tử.

Hay “Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của nhiều bộ, ngành và được quy định tại nhiều văn bản pháp luật, vì vậy cần thêm thời gian nghiên cứu, trao đổi với các bên liên quan.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang