Quảng Ninh: Kiểm soát chặt ô tô điện nhập lậu do tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023
Sạc xe điện qua đêm: Nguyên nhân của nhiều vụ cháy nổ
Giải pháp giúp kèo dài tuổi thọ pin xe điện
Tình trạng xe ô tô điện mini không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, đăng ký khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông đường bộ, cháy nổ, gây ô nhiễm môi trưởng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Trước tình trạng trên, Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh đề nghị các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới; chủ động tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vận chuyển trái phép xe ô tô điện mini và linh kiện xe ô tô điện mini.
Ô tô điện nhập lậu gây nhiều rủi ro cần tăng cường kiểm soát. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới; chủ động tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vận chuyển trái phép xe ô tô điện mini và linh kiện qua biên giới vào địa bàn tỉnh.
Đối với Cục Hải quan Quảng Ninh, chỉ đạo các Chi cục Hải quan thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, không để các đối tượng lợi dụng sự thông thoảng trong thủ tục hải quan điện tử để buôn lậu, vận chuyển trái phép ô tô điện mini, linh kiện, phụ tùng qua cửa khẩu, lối mở biên giới.
Các Đội Kiểm soát Hải quan tập trung thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn được giao quản lý, triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để đấu tranh ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép xe ô tô điện mini và linh kiện, phụ tùng qua cửa khẩu, lối mở biên giới.
Đối với Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình tuyến và địa bàn trọng điểm, kịp thời đấu tranh ngăn chặn hành vi buôn bản, vận chuyển trái phép mặt hàng ô tô điện mini và linh kiện, phụ tùng; kịp thời đấu tranh, xử lý kịp thời hành vi buôn bán ô tô điện trên không gian mạng, trên các nền tảng thương mại điện tử…
Liên quan tới hành vi nhập lậu xe ô tô điện, trước đó trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù. Không chỉ người bán, người mua mua phải xe buôn lậu nói chung, ôtô điện mini buôn lậu nói riêng đều dính phải rắc rối pháp lý.
Phân tích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết, trách nhiệm của người mua trong việc mua tài sản do người khác phạm tội mà có phụ thuộc nhiều vào mặt chủ quan (tính lỗi) của người vi phạm. Theo đó, nếu người mua là người ngay tình (không biết đây là xe nhập lậu, giấy tờ giả), có thể chỉ bị phạt hành chính.
Tuy nhiên, nếu người mua biết là xe nhập lậu, giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng, đây là trường hợp chiếm hữu không ngay tình. Vì thế, nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện sử dụng ô tô nhập lậu không giấy tờ, có giấy tờ làm giả thì sẽ tiến hành tịch thu chiếc xe nhập lậu đó.
Bên cạnh đó, người sử dụng ô tô điện mini nhập lậu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với hình phạt như sau: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 10 năm: Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
An Dương (T/h)