Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép đối với 70 yếu tố hóa học tại nơi làm việc

(VietQ.vn) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép đối với 70 yếu tố hóa học tại nơi làm việc.
Bộ Công thương đề xuất đơn giản hóa 11 thủ tục hành chính trong lĩnh vực bán hàng đa cấp
Người tiêu dùng nên thận trọng với sản phẩm yến chưng không rõ nguồn gốc
Tiêu chuẩn - ‘lá chắn’ chống hàng giả, kém chất lượng
QCVN 01:2025/BYT do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động biên soạn, Cục Phòng bệnh trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số 09/2025/TT-BYT ngày 28 tháng 4 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Quy chuẩn quy định giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép 70 yếu tố hóa học tại nơi làm việc, bao gồm: Acrolein; acrylamid; acrylonitril; amyl acetat; anhydrid phthalic; antimon; ANTU; asphalt (dạng khói); aceton cyanohydrin; acetonitril; acid formic; acid methacrylic; hydro nitrat; trihydro phosphat; acid picric; acid trichloroacetic; azinphos methyl; bạc và các hợp chất hòa tan; benomyl (bụi toàn phần); benzidin; benzoyl peroxide; benzyl chloride; beryli và các hợp chất; brom; 1,3-butadien; n-butyl acetat; butyl acrylat; carbofuran; calci carbonat (bụi toàn phần); calci hydroxide (bụi toàn phần); calci oxide; calci silicat (bụi toàn phần); calci sulfat dihydrat (bụi toàn phần); calci cyanamid; caprolactam (dạng bụi); caprolactam (dạng hơi); captan; carbaryl; catechol; chì tetraethyl; chì và các hợp chất vô cơ; chloroacetaldehyd; chlor dioxide; chloroacetophenol; chlorobenzen; chloropren; cresol; crotonaldehyd; cumen; dầu khoáng (dạng sương); dầu mỏ (napthas); dầu thông: dầu thực vật (dạng sương-bụi toàn phần); dung môi Stoddard; đá talc (bụi hô hấp); đá talc (bụi toàn phần); demeton; diazinon; diboran; dibutyl phthalat; 1,1- dichloroethan; 1,1 -dichloroethylen; dichlorvos; dicrotophos; dimethylamin; dimethylformamid; 1,1 -dimethylhydrazin; dimethyl sulfat; dinitrobenzen; dinitrotoluen (DNT).

Quy chuẩn áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường lao động: các cơ quan, tổ chức hoạt động quan trắc môi trường lao động: các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh các yếu tố hóa học tại nơi làm việc.
Quy định về kỹ thuật, quy định như sau: Giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép các yếu tố hóa học tại nơi làm việc; Công thức chuyển đổi nồng độ ppm (part per million) của chất phân tích (dạng hơi, khí) trong không khí ra nồng độ mg/m3; Giá trị giới hạn tiếp xúc ca làm việc điều chỉnh cho thời lượng tiếp xúc quá 8 giờ/ngày; Giá trị giới hạn tiếp xúc ca làm việc điều chỉnh cho thời lượng tiếp xúc quá 40 giờ/tuần làm việc; Cách tính giá trị tiếp xúc ca làm việc thực tế.
Quy định về quản lý: Việc quan trắc định kỳ môi trường lao động với yếu tố hóa học trong Bảng 1 của quy chuẩn này phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các quy định khác của pháp luật.
Các cơ sở có người lao động tiếp xúc với yếu tố hóa học có trong Bảng 1 của quy chuẩn này phải định kỳ quan trắc yếu tố hóa học này trong môi trường lao động, thực hiện các biện pháp kiểm soát yếu tố có hại, bảo vệ sức khỏe người lao động theo các quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động với các yếu tố hóa học chịu trách nhiệm về kết quả quan trắc, đảm bảo tính trung thực trong hoạt động quan trắc; tiến hành quan trắc theo các nguyên tắc, quy trình phù hợp với quy định của pháp luật.
Hà My