Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng đột biến, Tổng cục Thống kê khẳng định 'hợp xu thế'

author 14:26 19/01/2018

(VietQ.vn) - Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết việc số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh là phù hợp với xu thế, điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Tính đến thời điểm 1/7/2017, cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012 (706 nghìn đơn vị), mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức tăng 5% của thời kỳ 2007-2012. Đây chính là số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong cuộc họp báo về kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017.

Trong đó, doanh nghiệp (DN) là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Tính đến 1/1/2017 cả nước có 518.000 doanh nghiệp thực tế đang tồn tại, tăng 176.000 doanh nghiệp và gấp 1,5 lần so với năm 2012; trong đó có 505.000 doanh nghiệp thực tế hoạt động. Khối DN cũng thu hút 14 triệu lao động, tăng 28,5% so với năm 2012; trong đó 14 triệu lao động thuộc các doanh nghiệp thực tế hoạt động. Thời kỳ 2012-2017, bình quân hàng năm số lượng doanh nghiệp tăng 8,7%, lao động tăng hơn 5%.

Số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp (DN) lớn chiếm 1,9% tổng số DN, giảm 2,3% so với năm 2012, trong khi đó, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5%, chiếm 74% tổng số DN.

Xét theo quy mô lao động, tại thời điểm 1/1/2017 cả nước có hơn 10 nghìn DN lớn (tăng 29% so với năm 2012), nhưng quy mô chỉ chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, giảm so với 2,3% của năm 2012. Doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số doanh nghiệp.

Họp báo công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017. 

Đáng chú ý là tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy quy mô doanh nghiệp đang nhỏ dần.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu quy mô DN đang theo xu hướng nhỏ dần có phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hay không, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê Công nghiệp cho biết, theo kết quả thống kê, số lượng DN lớn giảm, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng mạnh là phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

“Thực tế trên xuất phát từ việc đất nước ta có một thời gian dài trải qua chiến tranh, đổi mới phát triển. Do đó, các điều kiện về nguồn lực, con người, vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư còn nhiều hạn chế, năng suất chất lượng nền kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Xu hướng tăng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, dần dần chúng ta sẽ có nhiều hơn DN lớn có tính chuỗi kinh tế toàn cầu. Hiện tại, các doanh nghiệp như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay và đang được nâng dần qua các năm”, ông Thúy cho hay.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, số liệu thống kê phản ánh đúng quy mô và phát triển của nền kinh tế. Việc quy mô DN của Việt Nam giảm đi là hiện tượng khách quan không chỉ ở nước ta mà còn ở rất nhiều các nền kinh tế khác.

Doanh nghiệp có từ 50-99 lao động sẽ có năng suất cao hơn

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, số doanh nghiệp mới thành lập tăng cả về số lượng và thu hút số lượng lao động, điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh có dấu hiệu cải thiện tốt và thể hiện tinh thần về một Nhà nước kiến tạo.

Ông Lâm cho biết, nếu xem về quy mô lao động sẽ thấy, nhìn chung lao động bình quân trên một đơn vị kinh tế thay đổi không đáng kể so với năm 2012 và có sự khác biệt giữa các đơn vị kinh tế và khối hành chính, sự nghiệp. Lao động bình quân một doanh nghiệp giảm từ 32 người xuống 27 người; trong đó doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/1 doanh nghiệp.

Riêng các doanh nghiệp FDI tăng bình quân 15 người/doanh nghiệp so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ.

Cũng theo nhận định của Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, đối với năng suất lao động theo quy mô, nếu doanh nghiệp có số lượng doanh nghiệp từ 50 đến 99 lao động thì có năng suất lao động là cao nhất, còn đối với doanh nghiệp có 100 đến 299 lao động thì sẽ có năng suất lao động cao đứng thứ 2.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang