Sớm khơi thông ‘dòng chảy’ chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất

author 06:22 26/09/2021

(VietQ.vn) - Cần sớm khơi thông dòng chảy "chuỗi cung ứng", sự vận hành của hệ thống logistics đảm bảo mạch máu lưu thông của nền kinh tế, không chỉ là hàng tiêu dùng thiết yếu mà cả nguyên liệu sản xuất, hàng hóa tiêu thụ của doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc loại trừ được hoàn toàn dịch bệnh khỏi cuộc sống là điều ai cũng mong muốn, tuy nhiên thực tế là chúng ta chưa thể làm được điều đó trong tương lai gần trong khi nền kinh tế không thể “đóng băng” mãi. 

Các chuyên gia nhận định, vẫn phải ưu tiên phòng, chống dịch bệnh. Đó cũng là cách bảo vệ niềm tin lâu dài cho môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng cũng không thể kéo dài tình trạng phong tỏa, giãn cách trên phạm vi rộng lớn bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, thái quá. Các cấp lãnh đạo cần tránh tâm lý "sợ trách nhiệm", chọn giải pháp an toàn, càng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế mà hậu quả trực tiếp dội lên doanh nghiệp.

Hình thức bán hàng mang về nhằm hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Nếu tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn và trong tầm kiểm soát mà nhà máy vẫn bất động, điểm kinh doanh, nhà hàng, cửa hiệu phải tiếp tục đóng cửa hay chỉ buôn bán nhỏ giọt bằng cách mang đi, trong khi lực lượng giao hàng không hoạt động thì người dân chưa mắc bệnh nhưng doanh nghiệp đã chết lâm sàng.

Bởi vậy, cần sớm khơi thông dòng chảy "chuỗi cung ứng", sự vận hành của hệ thống logistics đảm bảo mạch máu lưu thông của nền kinh tế, không chỉ là hàng tiêu dùng thiết yếu mà cả nguyên liệu sản xuất, hàng hóa tiêu thụ của doanh nghiệp.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh, do chưa có sự đồng bộ hóa liên tỉnh, thành phố về các chính sách vận tải hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nên các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xem xét lại nguyên tắc phòng chống dịch; “tiếp xúc an toàn” chứ không phải là lượng người tham gia giao thông hay các hoạt động làm việc ít hay nhiều.

Trong bối cảnh hiện nay, cần tháo gỡ những khó khăn về chính sách hạn chế người đi đường trong ngành logistics, bao gồm cả các công chức hải quan và các bộ ngành có liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, nhanh chóng đẩy mạnh phát triển vận tải hàng không để phục vụ xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản cho kịp thời vụ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát loại bỏ các quy định đang gây áp lực về chi phí cho doanh nghiệp, đơn giản hóa tối đa quy trình hành chính hiện tại, hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên (như trường hợp vừa áp dụng với việc xuất khẩu vải thiều), đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập về các mặt hàng thiết yếu và xuất các sản phẩm nông sản, xuất các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo, để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí ở các khâu thực hiện trong nước; giảm thiểu thực tế các chi phí tuân thủ trong quản lý nhà nước và tiết giảm hoặc tối ưu được dòng tiền chi ra để vượt qua khó khăn. Sự nhũng nhiễu doanh nghiệp trong điều kiện bình thường đã cần lên án, thì trong bối cảnh dịch Covid-19 càng không thể chấp nhận được và cần được nhận diện, xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Ngoài ra, trong điều kiện nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, cần khoan thư sức dân; cần rà soát và đình hoãn các công trình đầu tư công như xây trụ sở, điểm vui chơi; thắt chặt chi tiêu hành chính và tranh thủ các nguồn tài chính quốc tế hỗ trợ phục hồi đại dịch.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang