Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành thủy sản đối mặt với nhiều áp lực

author 15:57 04/09/2021

(VietQ.vn) - Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho nhà máy chế biến, thiếu nguyên liệu để sản xuất, chi phí tăng cao, đặc biệt là thiếu công nhân lao động… là những khó khăn đang bủa vây ngành thủy sản. Cần giải pháp toàn diện tháo gỡ các mắt xích khó khăn.

Khó chồng khó

Sáng 4/9/2021, tại Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và bàn giải pháp để chủ động sản xuất thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. 17 cảng cá đang tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gãy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ năm trước.

Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40% do thiếu nhân lực lao động rất lớn. Việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ - 3T” đang đẩy chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ bị chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.

Cùng với đó là khó khăn đứt gãy chuỗi đầu tư cung ứng đầu vào. Hiện việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test COVID-19. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh internet 

Một vấn đề nữa là thiếu nguyên phụ liệu. Ở khâu chế biến, nhiều nguyên phụ liệu như bao bì, nilon, máy hút chân không, nút chai, tem nhãn, hộp catton… các nhà máy đều cần nguồn cung cấp từ TP. HCM. Hiện đầu vào đều bế tắc nên không thể sản xuất.

Đặc biệt, theo đại diện của VASEP, hiện chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm rất lớn. Do người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương nghỉ việc. Với lao động tham gia “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí lo ăn, lo điều kiện vật chất…

Cần giải pháp toàn diện tháo gỡ các mắt xích

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, cần có những giải pháp toàn diện tháo gỡ các mắt xích khó khăn của ngành thủy sản. Theo đó, tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương lái tổ chức thu hoạch thủy sản, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào nhằm tạo điều kiện cho người dân bán sản phẩm và tiếp tục tái sản xuất.

Đề nghị giảm 50% giá điện cho ngành thủy sản. Một số địa phương kiến nghị Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản về lãi suất ngân hàng với điều kiện các doanh nghiệp này phải xây dựng chuỗi liên kết với vùng nuôi, khai thác.

Với Ngân hàng nhà nước, kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do covid-19; đồng thời cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất.

Đặc biệt, cần ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho các lao động tham gia vào hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, vận chuyển… thủy sản, kể cả các lao động trên tàu cá và tại cảng. Kiến nghị những người đã tiêm vaccine mũi 1 sau 14 ngày được đi lại, làm việc bình thường.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang