WHO cảnh báo hít không khí ô nhiễm lâu ngày có thể ung thư, mất trí nhớ

author 12:33 14/03/2025

(VietQ.vn) - Theo một báo cáo công bố hôm 11/3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc hít thở không khí ô nhiễm trong thời gian dài có thể gây ra bệnh về đường hô hấp, bệnh alzheimer (mất trí nhớ) và ung thư.

Theo một báo cáo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chỉ có 17% thành phố trên toàn cầu đáp ứng được các hướng dẫn của WHO. Đáng chú ý, việc hít thở không khí ô nhiễm trong thời gian dài có thể gây ra bệnh về đường hô hấp, bệnh alzheimer (mất trí nhớ) và ung thư.

Reuters đưa tin, dữ liệu công bố mới đây cho thấy chỉ có 7 quốc gia đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO vào năm ngoái, trong khi các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cuộc chiến chống khói bụi sẽ trở nên khó khăn hơn sau khi Mỹ ngừng các nỗ lực giám sát toàn cầu.

Theo AP, cơ sở dữ liệu giám sát chất lượng không khí IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ đã phân tích dữ liệu từ 40.000 trạm giám sát chất lượng không khí tại 138 quốc gia và phát hiện ra rằng Chad, Congo, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ có không khí ô nhiễm nhất. Riêng Ấn Độ có sáu trong chín thành phố ô nhiễm nhất thế giới và thị trấn công nghiệp Byrnihat ở Đông Bắc nước này là nơi có chất lượng không khí tệ nhất.

Shweta Narayan - người đứng đầu chiến dịch khí hậu tại Liên minh khí hậu và sức khỏe toàn cầu - cho biết nhiều khu vực chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất cũng là những nơi khí nhà kính làm nóng hành tinh được thải ra nhiều thông qua việc đốt than, dầu và khí đốt...

Theo các chuyên gia, lượng ô nhiễm không khí thực tế có thể lớn hơn nhiều vì nhiều nơi trên thế giới thiếu sự giám sát cần thiết để có dữ liệu chính xác hơn. Ví dụ, ở châu Phi chỉ có một trạm giám sát cho 3,7 triệu người.

Con người hít không khí ô nhiễm lâu sẽ có nguy cơ gây hại sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Đặc biệt vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ không công khai dữ liệu IQAir từ các đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này trên toàn thế giới nữa. Điều này sẽ khiến dữ liệu theo dõi ô nhiễm không khí toàn cầu sắp tới sẽ bị thiếu hụt khá nhiều.

Fatimah Ahamad - nhà khoa học trưởng và chuyên gia về ô nhiễm không khí tại trung tâm sức khỏe hành tinh Sunway có trụ sở ở Malaysia - cho biết hít thở không khí ô nhiễm trong thời gian dài có thể gây ra bệnh về đường hô hấp, bệnh alzheimer (bệnh gây ra tình trạng mất trí nhớ) và ung thư. Đặc biệt, WHO ước tính rằng ô nhiễm không khí giết chết khoảng 7 triệu người mỗi năm.

“Nếu nước dùng của bạn ô nhiễm bạn có thể bảo mọi người đợi nửa giờ mỗi ngày để lấy nước sạch. Nhưng nếu không khí của bạn ô nhiễm bạn không thể bảo mọi người ngừng thở”, Ahamad nói và nhấn mạnh thêm rằng thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để cắt giảm mức độ ô nhiễm không khí, bởi trước đó WHO phát hiện ra rằng 99% dân số thế giới sống ở những nơi không đạt mức chất lượng không khí được khuyến nghị.

Một số thành phố như Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và Rybnik ở Ba Lan đã cải thiện thành công chất lượng không khí thông qua các quy định chặt chẽ hơn về ô nhiễm từ xe cộ, nhà máy điện và công nghiệp. Họ cũng thúc đẩy năng lượng sạch hơn và đầu tư vào giao thông công cộng.

Một nỗ lực đáng chú ý khác nhằm hạn chế ô nhiễm không khí nghiêm trọng là thỏa thuận của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Mặc dù cho đến nay sự hiệu quả của thỏa thuận chưa thực sự rõ ràng nhưng mười quốc gia trong khu vực đã cam kết hợp tác để giám sát và hạn chế ô nhiễm từ các vụ cháy rừng lớn - hiện tượng thường xảy ra trong khu vực vào mùa khô...

Liên quan tới tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO, vào ngày 22/9/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra hướng dẫn mới về chất lượng không khí nhằm giảm số người tử vong do tình trạng ô nhiễm không khí vốn gây ra các bệnh về tim mạch và hô hấp.

Hướng dẫn này nhằm mục đích bảo vệ người dân khỏi những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí và được các Chính phủ sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những tiêu chuẩn ràng buộc về mặt pháp lý. Lần gần đây nhất WHO đã ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí vào năm 2005. Sau 16 năm, WHO nhận định rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe nguy hiểm hơn trước đây.

Hướng dẫn của WHO nhấn mạnh ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, bên cạnh biến đổi khí hậu. WHO đã đưa ra những bằng chứng rõ ràng về những thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra đối với sức khỏe con người dù mức độ ô nhiễm thậm chí thấp hơn mức đánh giá trước đây.

WHO cho rằng, việc con người sinh sống lâu dài trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, thậm chí ở dưới mức khuyến nghị, cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi, tim mạch và đột quỵ, những bệnh ước tính khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. Nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí được đánh giá ngang bằng với những rủi ro sức khỏe toàn cầu lớn khác mà chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá gây ra. Những người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình chịu tác động lớn nhất của quá trình đô thị hóa và việc phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. WHO cho rằng cần ưu tiên việc giảm tiếp xúc với bụi mịn vì bụi mịn có thể thâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu. Bụi mịn chủ yếu được sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực vận tải, năng lượng, sinh hoạt gia đình, hoạt động công nghiệp và nông nghiệp

Theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3. WHO cũng giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20 mcg/m3 xuống 15 mcg/m3. WHO cho rằng nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5. Cùng với đó, WHO đã điều chỉnh hầu hết các hướng dẫn về mức chất lượng không khí, cảnh báo việc phát thải quá mức mà WHO mới khuyến nghị này sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu thực hiện nghiêm túc hướng dẫn này, các nước có thể cứu sống hàng triệu người.

WHO cũng khuyến nghị 194 nước thành viên giảm tối đa nồng độ những chất gây ô nhiễm không khí theo mức mà tổ chức này vừa điều chỉnh, trong đó có bụi mịn và NO2 (nitơ dioxide), hai hợp chất sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.

Mặc dù các nhà khoa học hoan nghênh các hướng dẫn mới nhưng lo lắng rằng một số quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện, do phần lớn thế giới không đáp ứng được các tiêu chuẩn cũ hơn, ít nghiêm ngặt hơn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2023/BTNMT về chất lượng không khí

Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số /2023/TT-BTNMT ngày tháng năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quy định giá trị giới hạn tối đa các thông số cơ bản và các thông số độc hại trong không khí xung quanh. Quy chuẩn này áp dụng để giám sát, đánh giá chất lượng không khí xung quanh. Quy chuẩn này không áp dụng đối với không khí trong nhà.

Việc quan trắc định kỳ hoặc tự động, liên tục chất lượng không khí và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Việc quan trắc chất lượng không khí định kỳ cần căn cứ vào mục tiêu quan trắc để lựa chọn các thông số quan trắc phù hợp.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang