Đắp lá cây, thuốc nam để chữa rắn hổ mang cắn nguy hiểm tính mạng

author 06:59 24/06/2022

(VietQ.vn) - Một người đàn ông tại Hòa Bình phải nhập viện cấp cứu do bị nhiễm trùng, suy đa tạng sau 4 ngày đắp lá cây chữa rắn hổ mang cắn.

Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, vết thương do rắn cắn bị hoại tử, nhiễm trùng.

Các bác sĩ sử dụng kháng sinh để kiểm soát vết thương, đồng thời hỗ trợ điều trị các tạng suy, đặc biệt là suy thận và suy gan cấp. Sau khi sức khỏe người bệnh ổn định, ê kíp sẽ cắt lọc vết thương và vá da tại vùng bị hoại tử.

Theo bác sĩ Tình, vào mùa mưa, rắn hay ra khỏi nơi trú ngụ để đi kiếm ăn, hoặc do chỗ ở bị ngập nước. Rắn có thói quen sinh sống ở nơi ẩm thấp, bụi rậm, dưới tán lá cây, bụi cỏ... Do đó, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn tại thời điểm này thường gia tăng. 

 Khi bị rắn cắn cần đi cấp cứu ngay tránh đắp lá cây hay thuốc nam gây nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa

Còn có trường hợp bị rắn cắn nhưng không tới bệnh viện mà dùng thuốc nam bôi khiến cho bàn tay bị hoại tử nghiêm trọng. Cụ thể, khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trước đó đã tiếp nhận người bệnh B.Q.Đ., sinh năm 1994, địa chỉ tại Thị xã Quảng Yên vào viện trong tình trạng hoại tử bàn tay trái do rắn độc cắn.

Theo lời kể của mẹ người bệnh, cách vào viện một tuần người bệnh bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón trỏ bàn tay trái. Sau khi bị rắn cắn gia đình đã không đưa người bệnh đến cơ sở y tế mà tự ý điều trị ở nhà, bằng cách đắp thuốc nam lên vị trí rắn cắn. Sau một tuần đắp thuốc nam, người bệnh có biểu hiện sốt cao, sưng nề bàn tay sau đó lan lên toàn bộ cánh tay trái. Bàn tay trái thâm tím, chảy dịch mủ vàng. Lúc này gia đình mới đưa người bệnh đến Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí điểu trị thì đã xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao, sưng nề toàn bộ cánh tay trái, vùng mu tay trái hoại tử, chảy nhiều dịch mủ, mùi hôi… Tiên lượng nặng.

Theo các bác sĩ, đây tiếp tục là trường hợp mắc phải một trong những sai lầm lớn nhất trong sơ cứu người bệnh bị rắn cắn, đó là áp dụng các phương pháp dân gian chưa có cơ sở khoa học để điều trị. Phương pháp này đã được cảnh báo người dân không được áp dụng. Do bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị, khi nọc độc đã gây ảnh hưởng nặng nề dẫn đến suy hô hấp, hoại tử… mới đưa đến cơ sở y tế thì việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn thậm chí tử vong. 

Do đó, bác sĩ Tình khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, gia đình cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Gia đình nên trấn an người bệnh, hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.

Tuyệt đối không chích rạch vết thương, không băng ép chặt đoạn chi bị rắn cắn. Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý. Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn. Nếu được, cố gắng chụp lại hình ảnh hoặc nhớ hình dạng của rắn, cung cấp cho bác sĩ để nhanh chóng định danh được loại rắn.

Vào mùa mưa, người dân cần đi ủng, giày cao cổ, mặc quần dài khi đi đêm hoặc vào vùng bụi rậm. Không đến gần địa điểm rắn hay cư trú như các đống gạch vụn, đống đổ nát, rác, nơi nuôi các động vật... Khi phải đi qua bụi rậm, rừng cây, người dân cần sử dụng que, gậy đánh động để xua đuổi rắn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang