Tầm quan trọng của tiêu chuẩn chất lượng trong xuất khẩu nông sản Việt

author 17:08 05/11/2020

(VietQ.vn) - Để đưa nông sản Việt ra thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm bằng tiếng Anh như: Halal, ISO, VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thời gian qua, nhờ tham gia các hiệp định FTA, doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội khẳng định vị thế, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, các nguồn viện trợ phát triển, các định chế tài chính quốc tế hay tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý thông qua các dự án đầu tư. Điển hình, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam hiện đang có rất nhiều cơ hội để phát triển tại 2 thị trường Singapore và Malaysia.

Bà Đỗ Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, với Singapore, Việt Nam có mối quan hệ gắn bó lâu đời, liên kết đa chiều và hợp tác sâu sắc trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 7,29 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,19 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 4,09 tỷ USD.

"Singapore là nền kinh tế không có ngành nông nghiệp, hầu như phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu nội địa. Chính vì không có nền nông nghiệp, Singapore là quốc gia có chính sách nhập khẩu tương đối cởi mở, với hơn 150 nước đối tác xuất khẩu. Do vậy, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển tại thị trường này", bà Dung khẳng định.

Tiêu chuẩn chất lượng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường nước ngoài. Ảnh minh họa.

Còn Malaysia hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN sau Thái Lan. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 11 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 7,3 tỷ USD. Việt Nam còn nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Malaysia, đặc biệt là một số mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và mtốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao trong những năm gần đây như: gạo, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản…

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho rằng hiện các doanh nghiệp Việt lại ít quan tâm đến thị trường Singapore do thị trường nhỏ, yêu cầu cao về chất lượng, tiêu chuẩn, yêu cầu về giá cả; các nhà xuất khẩu Việt Nam chưa quen thuộc với hình thức thanh toán L/C (thư tín dụng), ít chấp nhận trả chậm...

"Để xuất khẩu vào Singapore, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm bằng tiếng Anh như: Halal, ISO, VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại Singapore", bà Quỳnh đề xuất.

 Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Đối với thị trường Malaysia, ông Trần Quốc Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia thông tin: Malaysia có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng thực phẩm như gạo, cà phê, rau quả, thủy sản, bánh kẹo... với giá trị hơn 50 tỷ RM mỗi năm. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn nhất các mặt hàng cho thị trường Malaysia như: gạo, cà phê, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ... Hiện doanh nghiệp trong nước đang có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này với các mặt hàng như: rau củ quả, hải sản, đồ uống, bánh kẹo, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi...

"Việc thâm nhập thị trường Malaysia cần chứng nhận Halal. Mặc dù chứng nhận Halal không phải bắt buộc đối với các sản phẩm, nhưng Malaysia là quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số nên sản phẩm có chứng chỉ Halal sẽ có nhiều cơ hội tham nhập thị trường hơn", ông Quốc Anh lưu ý.

Ông Trần Quốc Anh cũng thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Malaysia cần tuân thủ Đạo luật Thực phẩm của Malaysia năm 1983 và Quy định về Thực phẩm năm 1985 nhằm kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, bao gồm tiêu chuẩn thực phẩm, vệ sinh thực phẩm, xuất nhập khẩu thực phẩm, quảng cáo thực phẩm; yêu cầu bao gói, dán nhãn… theo Quy định thực phẩm năm 1985.

Điểm danh những nhóm hàng có giá trị xuất nhập khẩu tỷ đô giữa Việt Nam và Mỹ(VietQ.vn) - Đâu là những nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu giữa Mỹ và Việt Nam có kim ngạch lên đến hàng tỷ USD?

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang