Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho nông sản

author 06:17 21/09/2022

(VietQ.vn) - Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản là cần thiết trong việc thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản Việt Nam

Thương hiệu nông sản đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của địa phương, nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ danh tiếng, giá trị các sản phẩm được bảo hộ. Nhiều địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn La, Bến Tre... Đây là những địa phương đi đầu trong cả nước về kết quả bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông sản.

Các thương hiệu nông sản được bảo hộ đã giúp cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý vững chắc đối với những sản phẩm mà họ làm ra và bảo vệ quyền lợi của họ khi có sự xuất hiện những sản phẩm tương tự. Qua đó thể hiện trách nhiệm, cam kết của doanh nghiệp về sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường, giúp việc đưa những sản phẩm đó ra thị trường dễ dàng, thuận lợi hơn.

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu công nghiệp (NHCN) được bảo hộ đã bước đầu tác động tích cực đến giá trị sản phẩm. Tại một số địa phương như Hà Nội, các sản phẩm sau khi được bảo hộ (khoai lang Đồng Thái, nhãn chín muộn Đại Thành...) đã được người tiêu dùng khắp nơi tín nhiệm. Các sản phẩm này ngày càng được nâng tầm giá trị, đưa thương hiệu vươn xa tới nhiều thị trường hấp dẫn. Hay ở các vùng khác như nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, cam Cao Phong, cà phê Sơn La…, giá bán các sản phẩm sau khi được bảo hộ đều có xu hướng tăng.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể như cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%, đặc biệt như bưởi Luận Văn giá bán tăng lên 3,5 lần so với trước khi được bảo hộ.... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu có gắn CDĐL như nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn… Tóm lại, việc bảo hộ CDĐL đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Thương hiệu nông sản cũng giúp địa phương hình thành được các tổ chức tập thể như hội/hiệp hội, thúc đẩy sự phát triển các hợp tác xã, kết nối vào các chương trình lớn của nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời góp phần giúp các chủ thể như hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm trên thị trường.

Về tình hình thực tế, theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, trên phạm vi cả nước đã có 41 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ CDĐL, 61 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ NHTT và 51 tỉnh/thành phố có sản phẩm được bảo hộ NHCN. Đối với nông sản, vùng có số lượng được bảo hộ nhiều nhất tính đến tháng 10/2019 là Đồng bằng sông Cửu Long với 284 sản phẩm (22,88%), tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc với 279 sản phẩm (22,48%), Đồng bằng sông Hồng 218 sản phẩm (17,57%)… Tây Nguyên là khu vực có số lượng nông sản được bảo hộ thấp nhất với 55 sản phẩm (4,43%).

Thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản được các địa phương tập trung chỉ đạo và có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, gắn liền với lợi thế về điều kiện địa lý (tự nhiên, con người). Điển hình như: Hải Phòng đã bảo hộ được 71 sản phẩm (65 NHTT, 4 NHCN và 2 CDĐL), Hà Nội bảo hộ 76 nông sản (70 NHTT, 6 NHCN).

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang