Thủ tục hải quan để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gồm những bước nào?

author 11:29 17/08/2022

(VietQ.vn) - Việc nắm bắt các thủ tục hải quan khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và triển khai công việc nhanh chóng, tránh mất thời gian.

Xuất khẩu nông sản theo con đường chính ngạch cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ảnh minh họa. 

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của nước ta, thông qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Tuy nhiên, để minh bạch, an toàn và tránh rủi ro cho doanh nghiệp, việc xuất khẩu theo đường chính ngạch cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa.

Liên quan đến các thủ tục hải quan để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - Bộ Công Thương, cho biết, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cơ bản gồm 5 bước sau đây: i) Kiểm tra chính sách mặt hàng, chính sách thuế; ii) Chuẩn bị chứng từ; iii) Khai tờ khai hải quan; iv) Làm thủ tục hải quan xuất khẩu tại Chi cục Hải quan; v) Thông quan và thanh lý tờ khai.

Một bộ chứng từ xuất khẩu bao gồm những giấy tờ cần thiết để hoàn thành việc xuất khẩu một lô hàng. Những tài liệu cần thiết phải có đối với lô hàng bao gồm: i) Hợp đồng thương mại (Sales Contract); ii) Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice); iii) Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing list); iv) Vận đơn (Bill of Loading); v) Tờ khai Hải quan (Customs Declaration); vi) Tín dụng thư (L/C); vi) Chứng từ bảo hiểm (Insurance Certificate); viii) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); ix) Giấy chứng nhận kiểm dịch (Phytosanitary Certificate).

Trong đó, mục đích phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Mẫu E khi xuất khẩu sang Trung Quốc là nhằm chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về xuất nhập khẩu của cả hai nước.

Nếu là chủ hàng nhập khẩu, yếu tố quan trọng nhất là C/O hợp lệ sẽ giúp chủ hàng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu (có thể chênh lệch vài phần trăm đến vài chục phần trăm so với nhập khẩu không ưu đãi). Vì vậy, khi làm thủ tục hải quan cho các lô hàng có khai kèm C/O, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý để tránh những lỗi không đáng có (về mẫu của C/O, dấu, chữ ký, các thông tin liên quan đến hàng hóa,...).

Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc được thực hiện qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu, đường thông quan khác do Việt Nam và Trung Quốc thống nhất mở để giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó: Tỉnh Lào Cai gồm: Lào Cai, Kim Thành; Tỉnh Lạng Sơn gồm: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, ga Đồng Đăng; Tỉnh Quảng Ninh gồm: Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, cầu phao tạm Km3+4; Tỉnh Cao Bằng gồm: Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang; Tỉnh Lai Châu gồm: Ma Lù Thàng; Tỉnh Hà Giang gồm: Thanh Thủy, Xín Mần.

 Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang