Tăng cường quản lý cồn sát trùng và các sản phẩm chứa cồn

author 16:18 26/05/2020

(VietQ.vn) - Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 2414/SYT-QLHNYDTN gửi UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế triển khai các giải pháp tăng cường quản lý cồn sát trùng và các sản phẩm chứa cồn.

Trong văn bản của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội thực hiện lấy mẫu, kiểm tra chất lượng các loại cồn, nước rửa tay, gel rửa tay khô có chứa cồn…được kinh doanh tại các cơ sở bán lẻ thuốc. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều sản phẩm không có số công bố, số kiểm soát, vi phạm về kiểm soát chất lượng, hàm lượng methanol rất cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Từ thực tế đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế tăng cường tập huấn đến từng cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn chỉ kinh doanh sản phẩm cồn sát trùng được cấp phép lưu hành dưới dạng thuốc; các loại cồn không phải là thuốc và sản phẩm chứa cồn khác phải có số công bố sản phẩm, số kiểm soát, không sắp xếp các sản phẩm cồn không phải là thuốc vào khu vực bảo quản thuốc, không bán cho người mua với mục đích sát trùng trên da. Cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện lưu hóa đơn, chứng từ và phiếu kiểm nghiệm theo từng lô sản phẩm.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý sản phẩm cồn sát trùng dùng trong y tế tại các cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Quản lý thị trường trên địa bàn kiểm tra, xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cồn sát trùng dùng trong y tế và các sản phẩm chứa cồn khác theo quy định hiện hành.

Trước đó, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong tháng 5/2020, tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng đã có những dấu hiệu tích cực. Các hoạt động kinh doanh thương mại bắt đầu trở lại hoạt động bình thường. Tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định.

Trước thực tế đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm ATTP vẫn xảy ra trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa 

Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 18/5, các lực lượng chức năng Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 758 vụ. Xử lý hành chính 318 vụ. Tổng số tiền xử phạt 2,432 tỷ đồng.

Hàng hóa vi phạm gồm: 1.749.614 chiếc khẩu trang y tế các loại; 13.227 sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn; 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại; 35.600 đôi găng tay y tế; 1.597 bộ quần áo phòng dịch; 185 chiếc kính bảo hộ y tế; 927 chiếc áo phẫu thuật; 1.050 bộ quần áo phòng dịch; 605 chiếc thẻ đeo khử khuẩn; 847 chiếc nhiệt kế điện tử. Trong đó, Cục QLTT Hà Nội đã bàn giao trên 300.000 chiếc khẩu trang y tế và trên 1.500 chai nước rửa tay sát khuẩn đã được kiểm định cho Sở y tế Hà Nội để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Về vụ việc điển hình liên quan tới sản phẩm cồn sát trùng, vào ngày 5/3/2020, Đội QLTT số 1 Cục QLTT Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm soát thị trường phòng chống dịch Covid-19, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ hàng trăm sản phẩm cồn sát trùng diệt khuẩn được bào chế từ cồn công nghiệp của doanh nghiệp sản xuất Cường Thủy có địa chỉ tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín.

Mặc dù được Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận hồ sơ công bố điều kiện sản xuất cồn ethanol 70 và 90 độ sử dụng trong lĩnh vực y tế sát khuẩn, tuy nhiên bên trong các sản phẩm cồn y tế của doanh nghiệp Cường Thủy lại không có bất kỳ thành phần nào là cồn ethanol.

Do cả tin vào các giấy chứng nhận và công bố sản phẩm nên các nhà thuốc cũng đã vô tình tiếp tay bán các sản phẩm cồn công nghiệp đội lốt cồn y tế. Chủ một nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân cho biết, do tưởng nhầm là cồn y tế nên đã mua về để bán với giá 18.000 đồng/chai.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1, Cục QLTT Hà Nội, dù doanh nghiệp công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế nhưng việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm mới là vấn đề cần quan tâm, vì thực tế để bắt giữ được lô hàng này, Đội quản lý thị trường số 1 đã phải trưng cầu giám định chất lượng tới 2 lần và cả 2 đều cho kết quả hàm lượng cồn công nghiệp vượt quá mức cho phép.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cồn y tế hay còn gọi là cồn ethanol (C2H5OH). Hiện nay trên thị trường so với ethanol, giá bán cồn methanol rất rẻ nên nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận mà bất chấp nguy hại cho người tiêu dùng. Cồn ethanol được sản xuất từ việc lên men các nguyên liệu là tinh bột như sắn, ngô… và đường với mức độ tinh chất và không bị lẫn tạp chất được dùng chủ yếu để sát khuẩn khử trùng, tiệt trùng dụng cụ y tế…

Còn methanol sản xuất từ các loại vật liệu có chứa cenlulose, chứa nhiều tạp chất độc hại, đây là chất cực độc với cơ thể con người. Methanol không chỉ gây hại cho người sử dụng khi uống mà khi tiếp xúc vào da, chất độc này cũng thâm nhập qua các vết thương hở. Hít phải methanol cũng có nguy cơ ngộ độc.

Theo quy định, cồn y tế phải được đăng ký và công bố chất lượng và chứa từ 70% - 90% ethanol. Cồn y tế chỉ được phép không quá 0,02% methanol, các thành phần không được quá 0,03% và nhiều yêu cầu chất lượng khắt khe khác.

Hiện sự mập mờ trong việc ghi nhãn mác của một số nhà sản xuất khiến người dùng nhầm là cồn y tế tinh khiết. Bởi trên nhãn chai cồn chỉ ghi cồn 70 độ, cồn 90 độ và ghi công dụng sát trùng dụng cụ, sát trùng vết thương, làm chín thực phẩm nhưng không ghi thành phần. Sự nhầm lẫn đã khiến không ít người ngộ độc vì cồn chứa hàm lượng methanol.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang