Tạo đường ngắn nhất đến với năng suất, chất lượng

author 10:44 10/02/2013

(VietQ.vn) - Áp dụng các mô hình cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến và hiện đại, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động là một trong cách nhanh nhất để đưa doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam “bay cao, bay xa”, ngang hàng với những thương hiệu khu vực và toàn thế giới.

Nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) - một trong các cơ quan đầu mối quan trọng trong triển khai các hoạt động của Chương trình 712 đã dành cho PV Chất lượng Việt Nam cuộc trao đổi thân mật. 

Thưa ông, Chương trình 712 có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy tăng trưởng GDP của đất nước?

Nâng cao đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP là một phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế bền vững hiện đang được nhiều quốc gia theo đuổi. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế  xã hội 2011–2020 đã đề ra mục tiêu: “Yếu tố năng suất tổng hợp - TFP đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35% vào năm 2020”. Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ ban hành ngày 1/11/2012 cũng đã yêu cầu: “Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế”.

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc VPC, cho rằng sau khi áp dụng các công cụ nền tảng như vậy doanh nghiệp cần phải cải tiến được kết quả hoạt động mới có thể đạt được sự đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của mình

Để thực hiện được mục tiêu trên, những yếu tố tác động tới TFP như: chất lượng lao động; áp dụng các tiến bộ của khoa học & công nghệ; chuyển dịch nền kinh tế sang  những khu vực có hiệu quả cao hơn và tăng nhu cầu sản phẩm dịch vụ để có thể khai thác hiệu suất sử dụng thiết bị, lao động… cần được các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và thực hiện các chương trình thúc đẩy thích hợp.

Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" do Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối tổ chức triển khai là một trong các chương trình được xây dựng nhằm thúc đẩy nâng cao TFP của doanh nghiệp và các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

Trong chương trình 712 có đặt vấn đề đưa các mô hình và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng vào doanh nghiệp, tại sao lại chọn các công cụ đó và liệu nó có phù hợp với điều kiện doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không thưa ông?  

Đúng là Chương trình 712 có đề cập tới việc giới thiệu các mô hình , công cụ cải tiến năng suất chất lượng và đưa vào áp dụng trong doanh nghiệp. Đối với một số hệ thống quản lý và công cụ nền tảng như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, 7 công cụ thống kê trong kiểm soát chất lượng hay công cụ 5S đã được áp dụng thời gian qua, khi Chương trình 712 triển khai vẫn tiếp tục khuyến khích, nhân rộng trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Ví dụ như 5S - một công cụ hết sức cơ bản nhưng rất hữu hiệu, giúp tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ, khoa học, an toàn và ý thức làm việc tốt... vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa làm và cần khuyến khích doanh nghiệp phải làm bằng được. Những mô hình, công cụ này được coi là nền tảng chung và phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, việc tạo dựng nền tảng tốt cho doanh nghiệp bằng một số công cụ cơ bản là chưa đủ. Sau khi áp dụng các công cụ nền tảng như vậy doanh nghiệp cần phải cải tiến được kết quả hoạt động mới có thể đạt được sự đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của mình.

Đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ vẫn còn “mơ hồ”, chưa thấy được lợi ích cụ thể khi áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như Chương trình 712 đưa ra. Để doanh nghiệp thấy thiết thực và triển khai chương trình tốt hơn, theo ông nên tháo gỡ vấn đề này như thế nào? 

Doanh nghiệp thường quan tâm tới các kết quả cụ thể. Với vị trí, vai trò là cơ quan được giao trách nhiệm đầu mối nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp , Trung tâm Năng suất Việt Nam cũng đã tính toán đến việc để doanh nghiệp có con đường ngắn nhất đến với năng suất, chất lượng.

Trước tiên chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động giới thiệu để doanh nghiệp biết đến chương trình, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình. Song song với hoạt động này, chúng tôi tập trung xây dựng mô hình điểm, chính là những doanh nghiệp điển hình đã lựa chọn được mô hình, công cụ thích hợp và đạt được những lợi ích cụ thể sau khi áp dụng. Các mô hình điểm này sẽ là nơi để những doanh nghiệp có quan tâm tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhìn thấy kết quả cụ thể để triển khai tại doanh nghiệp mình.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã áp dụng rất tốt TPM để giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả của máy móc, thiết bị. Ảnh minh họa

Cụ thể như tại Công ty May Nam Hà về áp dụng tốt TPM với kết quả là giảm lãng phí liên quan đến máy móc thiết bị, qua đó tiết kiệm được chi phí sản xuất; Chi nhánh Tổng công ty hàng không Việt Nam khu vực Miền Bắc - Vietnam Airlines hay Bệnh viện Việt Pháp về áp dụng Lean Six Sigma với kết quả là nhiều dự án cải tiến về giảm sai lỗi, rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Đó là những ví dụ rất điển hình, minh chứng cho lợi ích, hiệu quả mang lại từ việc áp dụng những công cụ này để các doanh nghiệp khác có thể tham khảo, liên hệ để học tập kinh nghiệm. Bên cạnh các mô hình điểm trong nước, trong thời gian tới đây cũng cần thiết phải có những chương trình giao lưu, học hỏi, tìm đến những tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài đã áp dụng thành công.

Năm 2013 tiếp tục được xác định là năm tiếp tục khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp, các nhiệm vụ của Chương trình 712 sẽ được triển khai ra sao để áp dụng doanh nghiệp một cách thuận tiện và hiệu quả nhất thưa ông?

Hai dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai từ năm 2012. Trong đó, dự án xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quỹ thuật hướng đến xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đến năm 2020 và định hướng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật đến năm 2020. Nhiệm vụ này hướng đến đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh môi trường, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế…

Với dự án về thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng sẽ hướng vào tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất, chất lượng; đào tạo nguồn nhân lực về năng suất, chất lượng; và phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Với nhiệm vụ phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, trong giai đoạn 2012 - 2014 sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các mô hình cải tiến năng suất chất lượng như Lean, TPM, MFCA, KPIs, Balanced Scorecard, Quản lý rủi ro, quản lý năng lượng, 7 công cụ cải tiến chất lượng, 5S… Các doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi để tham gia chương trình này.

Nhân dịp này, tôi cũng xin gửi lời chúc một năm mới với những hy vọng mới, sáng tạo mới và thành công mới tới toàn thể các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang