Tạo kênh thông tin trao đổi trực tiếp, cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu

author 15:49 30/08/2022

(VietQ.vn) - Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022 tạo kênh trao đổi thông tin trực tiếp, cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và ngược lại; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách mới, cơ hội thị trường từ hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.  

Cập nhật thông tin chính sách mới, cơ hội thị trường 

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022 diễn ra sáng 30/8/2022, các Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trao đổi trực tiếp với Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và ngược lại; đồng thời phổ biến thông tin, chính sách mới, cơ hội thị trường từ nước sở tại. 

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú: Trong thành tích xuất khẩu của cả nước có sự đóng góp của tích cực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. 

Tại thị trường Tây Ban Nha, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha - ông Vũ Chiến Thắng khuyến cáo: việc duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha vẫn đang là một thách thức không nhỏ cần phải lưu ý. 

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Thương vụ đã nhận được văn bản thông báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha về phát hiện ít nhất 8 trường hợp lô hàng nông sản của doanh nghiệp Việt Nam có chất gây bệnh/chất cấm vượt quá mức cho phép hiện hành của EU, bao gồm: cà phê, nước sốt tiêu, khô soài, dừa quả, vải thiều, hạt điều, gạo và bột cà ri. Do đó, phía Tây Ban Nha đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát với các lô hàng tiếp theo ngay tại cảng đến sở tại. 

Thương vụ sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác cùng xây dựng thương hiệu chung cho hàng hóa XNK của Việt Nam với bạn hàng sở tại, vừa đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa đảm bảo chỗ đứng lâu dài của hàng Việt tại thị trường sở tại; đồng thời tăng cường công tác xác minh doanh nghiệp sở tại và phối hợp với các cơ quan thẩm quyền liên quan và các cảng vụ của Tây Ban Nha trong việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình ký kết thực hiện hợp đồng ngoại thương, điều khoản thanh toán- ông Vũ Chiến Thắng cho hay. 

Đối với thị trường lớn Ấn Độ, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - ông Bùi Trung Thướng cho biết, Cơ quan Hải quan Ấn Độ tăng cường kiểm tra các lô hàng có xuất xứ từ các nước có FTA với Ấn Độ để đảm bảo đúng xuất xứ, ngăn ngừa hàng hóa Trung Quốc đi qua nước thứ ba vào Ấn Độ. 

Theo đó, rất nhiều lô hàng mặc dù đã có giấy chứng nhận xuất xứ từ cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan Hải quan Ấn Độ vẫn thực hiện quy trình xác minh. Trong quá trình xác minh, doanh nghiệp nhập khẩu muốn thông quan phải ký quỹ một khoản tiền bằng chênh lệch giữa thuế thông thường và thuế ưu đãi. Vì vậy, đề nghị thực hiện đúng quy định về xuất xứ hàng hóa của Ấn Độ theo FTA Việt Nam- Ấn Độ- ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị. 

Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Pakistan - bà Nguyễn Thị Điệp Hà thông tin, Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam: Từ các mặt hàng nông sản truyền thống (chè, hạt tiêu, hạt điều, phi-lê cá tra… ) đến các mặt hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép), các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao (điện thoại di động, máy giặt, máy in…).

Bà Hà cũng cho biết, Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động... 

Tuy nhiên, tình hình an ninh, chính trị tại Pakistan rất phức tạp, điều kiện đi lại giữa Việt Nam và Pakistan chưa thuận tiện, sự khác biệt về văn hóa là nhân tố cản trở doanh nghiệp Việt Nam đi Pakistan khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Bà Hà cũng khuyến cáo, Pakistan là thị trường đang phát triển, khách hàng rất nhạy cảm với yếu tố giá. Hàng xuất khẩu sang thị trường Pakistan phải có giá rẻ mới có nhu cầu cao. 

Các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham dự Hội nghị giao ban XTTM với các thị trường ngoài nước tháng 8/2022  

Với thị trường lớn Hoa Kỳ, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 75,7 tỷ USD tăng hơn 20% (chiếm 17,5 % tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước). Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất siêu gần 70 tỷ USD. 

Tham tán Thương vụ tại Hoa Kỳ khuyến nghị, cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép; tiếp tục làm việc và đề nghị phía Hoa Kỳ mở cửa thị trường thêm cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam (ngoài 6 loại hoa quả tươi hiện nay là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa, soài còn có các mặt hàng có thế mạnh như sầu riêng, chanh leo, bơ, dừa, măng tây…). 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với DOC, Bộ Công Thương Việt Nam (Cục Phòng vệ thương mại) và các cơ quan liên quan để cung cấp tài liệu giải trình và lập luận trước việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng gỗ dán cứng và tủ gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ. 

Những đề xuất từ thực tế 

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, sau nhiều năm liên tục tăng trên 10%, riêng năm 2021 đã tăng 19,6%. Riêng thị trường Mỹ, trong 7 tháng đầu năm 2022, đạt 5,6 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về điều tra chống lẩn tránh thuế đối với gỗ dán, nhiều khả năng các doanh nghiệp bị phân loại “không phản hồi” và “không hợp tác” sẽ bị áp mức thuế tương tự như gỗ dán xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. DOC cũng khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế đối với tủ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ. Các biện pháp phòng vệ mà Mỹ có thể áp đặt có thể tác động rất tiêu cực tới doanh nghiệp Việt. 

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cập nhật thông tin và tư vấn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vận động để các phán quyết của DOC không gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp Việt. 

Nêu những kết quả ngành dệt may đạt được trong 8 tháng đầu năm là xuất khẩu đạt 30,1 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2021, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, ngành dệt may sẽ đạt mục tiêu 43,5 tỷ USD xuất khẩu cả năm 2022 như kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm cũng cho biết, những biến động trên thế giới tác động rất lớn đến ngành dệt may, do tỷ lệ lạm phát tại các nước trên thế giới rất cao, làm giảm mạnh sức mua hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may. 

Ngoài ra những thách thức đến từ các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU cũng tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp thời gian tới như vấn đề truy xuất nguồn gốc bông và các sản phẩm làm từ bông Tân Cương khi “Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ” có hiệu lực từ ngày 21/06/2022 hay dự định thu phí Cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế, tái sử dụng đối với hàng nhập khẩu tại thị trường EU. 

5 tháng cuối năm 2022 sẽ rất khó khăn với ngành dệt may, do doanh nghiệp đã có dấu hiệu thiếu đơn hàng, buộc phải chấp nhận những đơn hàng giá rẻ- ông Trương Văn Cẩm cho hay. 

Thông tin trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD)- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú cho rằng, trong thành tích xuất khẩu của cả nước, có sự đóng góp của hoạt động XTTM với sự tích cực, nỗ lực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. 

Đánh giá cao những thông tin hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường đưa ra tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú khẳng định, những thông tin các Tham tán, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đưa ra rất thiết thực, hỗ trợ hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất có thể cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Chuỗi giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là một trong những giải pháp để phát huy và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tế trên- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang