Tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo

author 07:07 21/01/2014

(VietQ.vn) - Năm 2013 hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ (KH&CN) được hoàn thiện cơ bản với việc Quốc hội chính thức thông qua Luật KH&CN (sửa đổi), tạo môi trường thuận lợi và đồng bộ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, năng lực và tổ chức bộ máy quản lý KH&CN được kiện toàn, ngành KH&CN đã mạnh dạn đề xuất một số cải cách lớn, nổi bật là đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính; đề xuất chính sách sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Các nội dung cải cách được thực hiện trong thực tiễn sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học. Đồng thời, tạo cơ hội mở cho mọi đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ

Tiềm lực KH&CN từng bước được cải thiện, đã kiện toàn tổ chức, hình thành tổ chức KH&CN và mạng lưới nghiên cứu mạnh. Nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đi tiên phong trong ứng dụng và đổi mới công nghệ. KH&CN đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Ba khu công nghệ cao quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được tiếp tục đầu tư. Lượng giao dịch công nghệ và thiết bị năm 2013 đạt 5.482 giao dịch, tăng 33,5% so với năm 2012 với tổng giá trị giao dịch 2.746 tỷ đồng, tăng 13,5%.

Xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ, ngành KH&CN đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ tạo tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho KH&CN. Bộ KH&CN đã triển khai nhiều nội dung để hỗ trợ, hình thành doanh nghiệp KH&CN. Năm 2013 có 87 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Bình quân doanh thu của doanh nghiệp KH&CN đạt gần 60 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân là 6,4 tỷ đồng.

Hoạt động hợp tác quốc tế đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Lần đầu tiên Việt Nam giả mã thành công hệ gen của 36 giống lúa bản địa góp phần cải tạo và chế tạo giống lúa cho năng suất và chất lượng cao; hoàn tất việc đưa 16 kg uranium ra khỏi Việt Nam trả về Nga an toàn được quốc tế đánh giá cao; đàm phán thành công với Hoa Kỳ về Hiệp định và bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trong đó bảo lưu được quyền làm giàu và tái chế uranium của Việt Nam.

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và bảo hộ sở hữu trí tuệ đã hướng mạnh tới việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất – kinh doanh, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ để củng cố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Năm 2013, số lượng các sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp tăng lần lượt 38,6%; 44,3%; 23,7%.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm, các nghiên cứu KH&CN đã góp phần tăng tỷ lệ các yếu tố về năng suất lao động tổng hợp (TFP), đạt 27% trong năm 2013. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng về chỉ số sáng tạo của Việt Nam đứng 76 trên 142 nước có số liệu báo cáo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tặng cờ thi đua của Bộ cho 13 đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm 2013.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ KH&CN cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết như: nhận thức của xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa tương xứng với vai trò, vị trí của KH&CN; việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mới còn chậm và nhiều vướng mắc; kinh phí đầu tư cho KH&CN còn hạn hẹp, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý Bộ KH&CN cần phải quan tâm hơn nữa đến phát triển nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; xây dựng chính sách đãi ngộ, phát triển nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Bộ KH&CN cần tăng cường vai trò quản lý trong công tác kiểm định chất lượng.

Trong năm 2014, ngành KH&CN cần phải rà soát, lựa chọn những chương trình KH&CN trọng tâm để tập trung triển khai, thực hiện. Theo đó, Bộ KH&CN cần hướng dẫn, hỗ trợ các Sở KH&CN thực hiện các đề tài, dự án KH&CN có tính ứng dụng thực tiễn cao tại các địa phương.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Bộ KH&CN là cơ quan tiên phong trong công tác phối hợp hoạt động, trước hết là với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, sau đó lan tỏa sang các bộ, ngành khác. Các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ phải thực sự nổi bật trong các lĩnh vực KH&CN…

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang