Tết ông Công ông Táo: Thị trường vàng mã vào mùa sớm hút người dùng

author 14:15 02/02/2018

(VietQ.vn) - Vàng mã là sản phẩm không thể thiếu dịp Tết ông Công ông Táo. Năm nay, các sản phẩm vàng mã có mặt từ sớm trên thị trường và giá thành có xu hướng tăng nhẹ.

Tại Hà Nội, trên những con phố Hàng Mã, Hàng Lược các sản phẩm phục vụ Tết ông Công ông Táo được bán nhiều và đa dạng. Theo những người bán hàng tại đây, ngay từ ngày Rằm tháng Chạp các sản phẩm cúng Tết ông Công ông Táo đã bắt đầu hút người dùng. Năm nay, giá một số sản phẩm có cao hơn một chút nhờ mẫu mã đẹp và kích thước lớn.

Tại cửa hàng của chị Nguyễn Thị Minh (Hàng Mã – Hà Nội), các sản phấm cúng Tết ông Công ông Táo đang được nhiều người chọn mua. Mỗi ngày, cửa hàng của chị Minh cũng bán được hơn 200 bộ vàng mã cúng Tết ông Công ông Táo chưa kể bán buôn mặc dù giá thành một vài sản phẩm có tăng nhẹ.

“ Giá một bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ, giầy dao động từ 150.000 – 300.000 đồng tùy thuộc vào kích cỡ. Các sản phẩm khác như tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá khá rẻ khoảng 30.000 đồng - 50.000 đồng/vật phẩm. Năm nay, bộ vàng mã cúng Tết ông Công ông Táo được nhiều cơ sở làm kích thước lớn hơn và mẫu mã bắt mắt. Đây là những sản phẩm cao cấp và có giá từ 300.000 đồng - 500.000 đồng/bộ. Điểm khác biệt của những bộ vàng mã này ngoài kích thước lớn thì cá chép không còn đươc làm từ giấy mà các sở sản xuất đã sử dụng thêm khung tre để làm hình cá chép 3D. Các sản phẩm cúng Tết ông Công ông Táo 100% được nhập về từ các cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh hoặc Thường Tín (Hà Nội)”, chị Minh cho biết.

Tết ông Công ông Táo: Thị trường vàng mã vào mùa sớm hút người dùng

 Thị trường vàng mã tại Hàng Mã (Hà Nội) đã bắt đầu nhộn nhịp để cúng Tết ông Công ông Táo.

So với các dịp lễ, Tết khác như tháng Cô hồn hay Rằm tháng Giêng thì Tết ông Công ông Táo nhu cầu của người dùng về vàng mã luôn tăng cao. Nhờ vậy mà doanh thu của nhiều cửa hàng bán vàng mã tại những tuyến phố của Hà Nội cũng lên đến cả trăm triệu. Chị Nguyễn Thị Minh tiết lộ, năm trước, Tết ông Công ông Táo doanh thu nhờ bán vàng mã luôn cao gấp đôi so với tháng Cô hồn và gấp ba so với ngày Rằm, mồng Một hàng tháng. Năm nay, tính từ Rằm tháng Chạp, tại cửa hàng này đã có doanh thu cao nhất có ngày lên đến 22 triệu đồng tính cả bán buôn.

Tại đại lý vàng mã Lương Ngọc Long trên đường Giáp Bát (Hoàng Mai – Hà Nội), với hơn 4 kho hàng chứa vàng mã, đây được coi là “thủ phủ” cung cấp vàng mã cho các cửa hàng nhỏ lẻ khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Theo anh Long chủ đại lý, vàng mã tại đây được anh nhập về tại làng nghề Duyên Trường (Thường Tín – Hà Nội). Tại đây, giá một bộ vàng mã cúng Táo quân dao động từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng/bộ tùy số lượng khách hàng nhập mà có giá rẻ hay đắt.

“Một thỏi vàng tài lộc chừng 30.000 đồng/thỏi. Nếu so với những năm trước giá có tăng nhẹ bởi năm nay, nguyên liệu là giấy, tre, nứa tại làng nghề nhập vào để sản xuất vàng mã tăng. Một bộ đồ Táo quân kèm ông Thần tài bán buôn trọn gói là 500.000 đồng. Ngoài ra, năm nay có sản phẩm mới là cá chép khổng lồ. Thay vì ngựa, voi hay những con vật cúng lễ khác thì năm nay các cơ sở sản xuất vàng đã làm nên những con cá chép với kích thước lớn và có giá chừng 50.000 đồng/con. Đây là giá bán buôn, còn giá bán lẻ có thể đắt hơn chừng 20.000 đồng - 50.000 đồng tùy thuộc vào từng cửa hàng”, anh Long nói.

Với người dân miền Bắc, thời điểm thích hợp nhất để cúng Tết ông Công ông Táo nên từ 23h ngày 22 tháng Chạp đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Sau khi cúng Táo Quân thì các gia đình nên hóa vàng các vật phẩm.

Tết ông Công ông Táo: Thị trường vàng mã vào mùa sớm hút người dùng

 Năm nay, giá thành của một bộ vàng mã cúng Tết ông Công ông Táo tăng nhẹ so với năm ngoái.

Tại Đà Nẵng, Tết ông Công ông Táo được nhiều người dùng bắt đầu cũng từ đầu tháng Chạp (Âm lịch), đặc biệt là các tiểu thương ở những khu chợ như chợ Hàn, chợ Cồn hay những cửa hàng kinh doanh. Bởi người dân Đà thành quan niệm, với người kinh doanh, Táo quân là của mọi nhà, thế nên, cần phải chia ra ngày cúng sao cho ít bị trùng nhất. Vì nếu cúng chung một ngày 23 tháng Chạp thì có thể ông Công ông Táo không thể nhận hết được lễ vật của các gia đình. Vậy nên, thời điểm này, nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh tại thành phố biển Đà Nẵng đã bắt đầu cúng Táo quân.

“Hàng năm, cứ sau ngày mồng 5 tháng Chạp là gia đình tôi lại sửa soạn đồ lễ cúng ông Công ông Táo để mong một năm mới buôn may bán đắt, mọi thứ thuận hòa. Tôi nghĩ, ông Công ông Táo có ý nghĩa rất quan trọng với mỗi người làm kinh doanh vậy nên, mâm cỗ cúng Táo quân luôn phải tươm tất và đầy đủ các vật phẩm. Ngoài việc cúng ông Công ông Táo, nhân dịp này chúng tôi cũng cúng Thần tài để mong công việc kinh doanh năm mới được may mắn và phát lộc”, bà Nguyễn Thị Lý, một tiểu thương tại chợ Cồn cho biết.

Tuy rằng, những tiểu thương tại Đà Nẵng cúng Tết ông Công ông Táo rất sớm, nhưng đến ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình vẫn làm một mâm cơm thật tươm tất và mua cá chép phóng sinh để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Tết ông Công ông Táo là một trong những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Bởi mọi người quan niệm, khi sắp hết một năm, Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng đế những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng và năm mới sắp đến sẽ là một năm được đón nhận những điều tốt đẹp hơn. 

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang