Thận trọng khi chơi trò thú nhún

author 06:06 18/12/2012

(VietQ.vn) - Bên cạnh mức độ độc hại của thú nhún cao su của Trung Quốc bị thu hồi ở Singapore các loại thú nhún khác cũng tiềm ẩn nhiều khả năng gây tai nạn, thương tích cho trẻ nhỏ.

Những tai nạn thương tâm từ thú nhún

Tháng 7/2008, Bệnh viện Chấn Thương chỉnh hình TP HCM đã tiếp nhận trường hợp một bé gái ở Gia Lai bị tai nạn khi chơi thú nhún. Theo lời kể của gia đình, ngày 4/7, tan học, trong lúc chờ mẹ đến đón, bé vào khu trò chơi của trường mầm non tư thục đang học xem các bạn chơi thú nhún. Không chỉ đứng nhìn, bé còn đến gần máy và đưa tay vào lò xo nhún.
 
 Khi cô giáo phát hiện thì đã muộn, ngoài ngón tay cái, các ngón còn lại trên bàn tay phải của cháu bé đã bị cắt gần lìa, máu chảy lênh láng. Khi đến Bệnh viện Gia Lai để phẫu thuật nối mạch máu, do cú "nghiến" của lò xo quá mạnh, bàn tay của cháu bé chỉ còn 2 ngón tay có dấu hiệu hồng hào, 2 ngón còn lại bắt đầu hoại tử. 
Bên dưới thú nhún bằng điện
Bên dưới thú nhún bằng điện
 
Tháng 4/2011, cháu Ngô Hữu Thành (10 tuổi) trong lúc đang chơi thú nhún ngay trước cổng trường Đặng Thị Rành, quận Thủ Đức đã bị điện giật chết. Sự việc xảy ra vào lúc tan trường, hai anh em Ngô Hữu Thành và Ngô Hữu Minh Đức (cùng học Trường Đặng Thị Rành) đi thẳng qua tụ điểm Vườn Hồng Tuổi Thơ (đường QL13 cũ, đối diện trường). Tại đây có hàng chục con thú nhún, trò chơi mà trẻ em rất thích.
 
Cháu Thành đang ngồi trên một con thú làm bằng sắt và nhựa thì bị chạm điện. Lúc đó cháu Đức đã bỏ chạy kêu la. Nhân viên phục vụ Tô Thị Thắm liền chạy đi cắt cầu dao điện nhưng lại cắt nhầm nguồn điện của con thú khác. Sự lúng túng của nhân viên và một số người lớn có mặt tại đây khiến điều đáng tiếc đã xảy ra. Khi cháu Thành đưa được ra khỏi con thú thì cháu đã chết. 
 
Tháng 10/2011, bé T. (5 tuổi, Đức Hòa, Long An) đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng I do tai nạn với thú nhún. Mẹ bé T. cho biết, tối 22/10, chị cho con đến chơi trò lắc vịt (một kiểu thú nhún). Với trò này, khi trẻ  ngồi lên, nhấn nút hoạt động thì con vịt (có hình dáng hơi giống chiếc xe máy, có chỗ để chân và hai tay cầm) sẽ lắc qua lắc lại. 
 
Phía sau con vịt là một mô-tơ vận hành, không có gì che chắn. Khi bé T. ngồi lên con vịt, ngả dựa người ra sau và để tay ra ngoài thì bị mô-tơ cuốn ngay lấy bàn tay rồi cánh tay. Rất may người nhà bé kịp thời dùng dép chặn mô-tơ cho ngừng lại. Lúc gỡ bé ra thì bàn tay gần như đứt lìa hoàn toàn, chỉ còn một tí da và gân dính với cổ tay; cánh tay bé bị giập nát, mặt xây xát.
 
Thú nhún điện không đảm bảo an toàn
 
Dạo một vòng quanh Hà Nội, phóng viên Chất lượng Việt Nam thấy khá nhiều điểm vui chơi cho trẻ và các không gian vui chơi của nhiều trường mẫu giáo với những con thú nhún lò xo, thú nhún cao su, thú nhún điện đèn nhấp nháy xanh đỏ khá bắt mắt. 
 
Tranh thủ độ “hút” khách nhí của thú nhún, nhiều sân chơi do nhà dân mở cũng đua nhau kinh doanh loại hình này. Theo anh Quang Minh, một chủ hộ kinh doanh thú nhún điện gần Vườn hoa Gia Lâm, chỉ cần một khoảng đất trống đang chờ xây dựng, mặt bằng nhà văn hoá, một hộ gia đình có mặt bằng vài chục mét vuông... là đã có thể đầu tư làm sân chơi thú nhún. 
 
Giá thành một sản phẩm thú nhún điện chỉ từ 3 đến 4 triệu đồng, thú nhún lò xo khoảng 1,5 triệu đồng còn thú nhún cao su thì khá rẻ từ 100.000 – 150.000 đồng. Mỗi “sân chơi” chỉ cần có khoảng hai chục con thú nhún là đã có thể thu hút được khá đông “thượng đế nhí”. Thứ 7, Chủ Nhật đông khách doanh thu đạt 2 – 3 triệu đồng còn ngày thường “bét” cũng được 300 – 400.000 đồng. 
Trẻ em vùng cao chơi trò thú nhún bằng điện và cao su
 
Theo quan sát của phóng viên, những loại thú nhún lò xo, thú nhún điện  thường làm bằng sắt, với các trục quay như một cỗ máy gắn với chiếc môtơ điện tạo ra sự nhún nhảy nâng lên hạ xuống hay chồm tới chồm lui. Các con vật thú nhún này đều được lắp đèn trang trí nên bộ phận nào cũng đều có những điểm sử dụng điện. Tuy nhiên do ổ điện được đấu nối thô sơ nên chỉ cần một chút sơ ý là các thiết bị điện này có thể gây tai nạn cho trẻ nhỏ.
 
Điều đáng nói là tại khu dân cư ngày càng có nhiều tụ điểm vui chơi tự phát kinh doanh các loại thú nhún nguy hiểm kể trên. Khi được hỏi về mức độ an toàn thì hầu hết người kinh doanh thú nhún và những người trông coi tại đây ít quan tâm đến tính kỹ thuật có bảo đảm đối với trẻ em khi tham gia trò chơi hay không. Việc quan tâm, theo dõi các cháu vui chơi tại những nơi này phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ hoặc người lớn đi kèm.  
 
Chị Hoàng Lan (Ngọc Lâm, Hà Nội) cho biết “Những ngày cuối tuần, hai vợ chồng tôi thường cho con cái vào chơi tại các điểm vui chơi thú nhún do nhà dân mở. Chỉ mất khoảng 20.000 đồng cho một lượt chơi khoảng 10 – 15 phút, rẻ hơn nhiều so với việc mua vé vào cổng tại các trung tâm thương mại hay công viên. Nhưng nhiều khi nhìn thấy mấy con thú nhún bong tróc sơn, lòi cả dây điện, thú nhún lò xo thì lỏng lẻo, không chắc chắn, thú nhún cao su cũng khá bẩn vì mỗi ngày phải “tiếp” vài chục lượt khách nhí ”.

Sẽ không sử dụng nếu thú nhún Trung Quốc nhiễm độc

Đó là khẳng định của nhiều hiệu trưởng trường mầm non tư nhân khi biết thông tin thú nhún của Trung Quốc có chất độc và bị thu hồi ở nước ngoài.

Theo lời của nhiều hiệu trưởng các trường mầm non, ngay khi biết được thông tin nêu trên, họ đã nhắc nhở giáo viên trong trường cân nhắc và thận trọng hơn khi cho trẻ chơi trò thú nhún.

"Nếu cơ quan chức năng kết luận thú nhún cao su của Trung Quốc có hóa chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe như ở Singapore chúng tôi sẽ không sử dụng loại thú nhún này nữa. Hiện chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ ý kiến nào từ ngành giáo dục về việc cấm sử  dụng loại thú nhún này", một hiệu trưởng mầm non ở Hà Nội cho biết.

Chưa biết thông tin

Nhiều giáo viên ở các trường mầm non công lập ở các vùng quê như Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa... khi được hỏi về loại thú nhún cao su sử dụng trong trường đều nói rằng chưa biết thông tin thú nhún cao su của Trung Quốc có chứa hóa chất gây hại sức khỏe cho trẻ.

"Nếu có hóa chất gây hại sức khỏe cho trẻ thì chính quyền địa phương đã có ý kiến về vấn đề này. Vì thế hiện tại chúng tôi vẫn để cho các trẻ chơi trò thú nhún này cho đến khi có kết luận từ cơ quan chức năng", giáo viên ở trường mầm non trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói.

Chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra công bố có hóa chất độc hại trong thú nhún ở Việt Nam

Đó là khẳng định của 1 cán bộ Quản lí thị trường với PV Chất lượng Việt Nam vào chiều 18/12 xung quanh việc thú nhún của Trung Quốc có chất độc hay không. 

(Mai Tuân - Duy Anh)

 
Nguyễn Trâm
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang