Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ về thể chế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

(VietQ.vn) - Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển, nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Các loại hình cơ sở phải chịu phí bảo vệ môi trường từ ngày 5/1/2025
Xuất khẩu thủy sản năm 2025: Nhiều cơ hội và không ít thách thức
Năm 2024 vừa đi qua là một năm đầy nỗ lực của nước ta. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới, trong đó, GDP cả năm 2024 dự kiến tăng khoảng 7%.
Bước sang năm 2025, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội đang mở ra. Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thì mục tiêu tăng trưởng khoảng 8% là có thể đạt được.

Công điện số 137/CĐ-TTg về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 ban hành ngày 20/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho rằng, các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Trong ngắn hạn, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng là cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao; Tập trung tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong trung hạn, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Thời gian tới, chúng ta phải tạo ra những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh… Đặc biệt, muốn tăng trưởng 2 con số, phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế; chống lãng phí; tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Chính phủ quyết tâm tăng trưởng 2 con số khi tháo gỡ được các điểm nghẽn như Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu… đã được thông qua. Các tư tưởng lớn, đột phá trong các luật này, với tinh thần “kiến tạo phát triển”, sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực lâu nay bị ách tắc, qua đó góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư - kinh doanh và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, cần huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, tập trung xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược… và đặc biệt là thực hiện quyết liệt và hiệu quả chủ trương tinh gọn bộ máy… Đây chính là các bước chuẩn bị chủ động cho một “Kỷ nguyên vươn mình".
Một sự kiện đang diễn ra rất quyết liệt trên phạm vi cả nước hiện nay là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nhiều ý kiến nhận định, yếu tố quyết định thành công không chỉ là vấn đề về tinh gọn, đó chỉ là điều kiện cần, tổ chức gọn nhẹ lại. Nhưng điều kiện đủ là phải tuyển chọn và bố trí lại cán bộ đúng người, đúng việc, đúng khả năng. Đồng thời, cần chú trọng thu hút tài năng trong hệ thống cơ quan công quyền, từ các tài năng lãnh đạo đến tài năng về hành chính chuyên môn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh, thể chế là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển, nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Mai Phương (t/h)