Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2020

author 16:44 06/11/2020

(VietQ.vn) - Từ giờ đến cuối năm, Bộ Công thương xác định tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, góp phần hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn tháng trước để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ở thời điểm đầu năm, các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (như Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Những ngành hàng phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia trên, cũng là những ngành công nghiệp chủ lực hiện nay của Việt Nam gồm điện tử, dệt may, da giày-túi xách, sản xuất, lắp ráp ô tô.

Tuy nhiên, kể từ sau tháng 3/2020 đến nay, nhờ các giải pháp tích cực của Chính phủ trong việc thông thương hàng hóa và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, cùng với đó là việc các doanh nghiệp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã dần quay trở lại hoạt động nên nguồn cung nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi.

Sản xuất ô tô tại nhà máy Vinfast. Ảnh minh họa. 

Song song với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải trong quy trình nhập khẩu như đường biển hoặc đường hàng không nhằm thay thế một phần cho vận tải đường bộ trong việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

“Tình trạng đứt gãy nguồn cung chỉ có tác động rõ rệt đến các ngành công nghiệp trong nước ở quý I/2020. Từ tháng 9 đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã dần khắc phục được khó khăn về nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ nên sản xuất công nghiệp tháng 9 và đặc biệt trong tháng 10 đã có sự khởi sắc đáng kể”, ông Thành đánh giá.

Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, tháo gỡ khó khăn, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng để vừa bảo đảm an ninh năng lượng vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ và tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm,… Từ đó đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, góp phần hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định của EVFTA nhằm làm chủ ‘sân chơi’(VietQ.vn) - Việc nắm rõ các nội dung từ EVFTA hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp. Bởi khi đó doanh nghiệp mới có sự chuẩn bị tốt thông qua việc chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường khó tính này.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang