Thêm trẻ chết vì bệnh Sởi

author 09:12 06/05/2014

(VietQ.vn) - Ngày 05/5/2014, cả nước ghi nhận thêm 55 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.085 trường hợp mắc sởi xác định trong số 15.217 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Sự kiện: Cách phòng chống và điều trị bệnh Sởi

Theo Cục y tế dự phòng, trong ngày 5/5 cả nước ghi nhận 01 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi tại Bệnh viện Bạch Mai và báo cáo bổ sung 01 trường hợp tử vong ngày 04/5/2014 tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 135 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.

Cũng theo Cục y tế dự phòng, có 26 trường hợp nhập viện tại 3 bệnh viện (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), giảm 19 trường hợp so với ngày 04/5/2014; Trong ngày có 15 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới.

Về tình hình thu dung, điều trị của một số bệnh viện Trung ương, Cục y tế dự phòng cũng thông tin cụ thể: 

Bệnh viện Nhi Trung ương:

+ Số bệnh nhân đang điều trị sởi: 274

+ Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 05/5/2014: 12

+ Số bệnh nhân tử vong trong ngày 05/5/2014: 0

+ Báo cáo bổ sung 01 trường hợp tử vong ngày 04/5/2014.

Bệnh viện Bạch Mai:

+ Số bệnh nhân đang điều trị sởi: 85

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng

+ Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 05/5/2014: 02

+ Số bệnh nhân tử vong trong ngày 05/5/2014: 01

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương:

+ Số bệnh nhân đang điều trị sởi: 110

+ Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 05/5/2014: 12

+ Số bệnh nhân tử vong trong ngày: 0

Trong khi đó, tính đến ngày 05/5/2014, tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 86,5%, tăng 1,2% so với ngày 04/5/2014; 20 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi cao trên 95% là: Quảng Nam, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thái Bình, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Yên, Kon Tum, Cần Thơ, Đắc Nông, Phú Thọ, Hải Dương, Cà Mau, Ninh Bình, Bạc Liêu, Hậu Giang; 39 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi từ 70-95%; 4 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi từ 60-70% là: An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Bình Thuận.

 

Trả lời trên Báo Sức khỏe và Đời Sống, PGS.TS.Trần Đắc Phu cho hay: Ngành y tế đã và đang tổ chức các hoạt động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, điều tra, tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, khống chế không để dịch lan rộng kéo dài. Chuẩn bị tốt công tác thu dung điều trị, cách ly bệnh nhân, phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị đặc biệt với bệnh sởi, bệnh TCM, các bệnh đường hô hấp, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, đặc biệt là các trường hợp nặng.

Riêng đối với bệnh TCM, Bộ Y tế đã chủ động đối phó với bệnh này ngay từ khi dịch chưa lan rộng, bùng phát. Theo đó, ngay trong dịp nghỉ lễ này, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, BVĐK, chuyên khoa nhi các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh TCM. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai kế hoạch phòng chống bệnh TCM ngay từ đầu vụ dịch, dành kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch, không chờ đến khi dịch bùng phát. Bộ GD&ĐT triển khai tích cực các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo không để xảy ra ổ dịch trong nhà trường.

Cùng với các giải pháp mang tính “kỹ thuật” trong phòng chống các dịch bệnh trên, ngành y tế cũng đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để cộng đồng cùng hiểu hơn về dịch bệnh để từ đó nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình...

Đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng thì phụ huynh nên đưa con đi tiêm ngay, điển hình như tiêm vaccin phòng sởi. Bên cạnh đó, thời điểm hiện nay là đầu mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh sởi lây lan, người dân cần đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng khí, mở cửa sổ nhưng đảm bảo không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virut trong môi trường.

Với những bệnh chưa có vaccin phòng ngừa như TCM, sốt xuất huyết , người dân cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo của ngành y tế trong việc phòng bệnh, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã, làm vệ sinh... Khi trẻ bị TCM phải được cách ly ít nhất 10 ngày từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác...

 

Bảo Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang