Thiếu bãi đỗ xe do quy hoạch thiếu đồng bộ

author 07:32 18/06/2012

(VietQ.vn) - Quy hoạch giao thông hiện nay ở các thành phố đang thiếu sự nhất quán, đồng bộ. Đất dành cho giao thông tĩnh quá ít khiến thành phố luôn trong tình trạng kẹt xe, ùn tắc. Xung quanh vấn đề này, PV Chất Lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ - Phó chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận Tải.

Hiện nay, đất dành cho giao thông tĩnh quá thiếu, quy hoạch các điểm đỗ xe bị phá vỡ và đẩy cái khó cho các thành phố. Quan điểm của ông về thực trạng này?

Mạng lưới đường hè phát triển giao thông hiện nay đã có, nhưng quy hoạch chi tiết bến bãi, điểm đỗ xe Hà Nội có, trong khi TP.HCM đang thực hiện. Việc thực hiện quy hoạch ở đơn vị cơ sở lại không tuân theo quy hoạch chung của thành phố. Hệ thống quy hoạch liên tục thay đổi, thậm chí nhiều quận, huyện ít biết quy hoạch điểm đỗ xe do chưa thực hiện và công tác quy hoạch thiếu, yếu.
 
Đơn cử, tại Hà Nội có một số điểm đã quy hoạch làm điểm đỗ xe, xây dựng rồi nhưng không sử dụng đúng mục đích như: điểm tại thư viện quốc gia đang thành quán café Trung Nguyên; điểm tại ngã ba Đinh Lễ - Ngô Quyền cũng như tại  ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn cũng đang bị khai thác sử dụng sai mục đích... Bệnh viện Việt Đức, sân vốn là chỗ để xe, nay thành quầy bán thuốc, căng tin. 
 
Tôi cho rằng ủy ban nhân dân cần kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng những điểm đã quy hoạch này theo đúng mục đích.
 
Theo quy định của Bộ Xây dựng, nhà cao tầng khi được cấp phép xây phải có tiêu chuẩn đảm bảo đủ chỗ để xe cho người dân, nhưng thực tế vẫn chưa được chú ý và quan tâm đúng mức. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
 
Trong quy hoạch và trong cấp phép xây dựng có nói rõ các nhà cao tầng chỉ cấp phép khi có điểm đỗ xe… nhưng hiện vẫn quá ít tòa nhà làm được điều này. 
Hà Nội hiện đang thiếu rất nhiều bãi đỗ xe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông hay xảy ra ùn tắc
Hà Nội thiếu rất nhiều bãi đỗ xe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông ùn tắc
 
Trong thiết kế xây dựng có bố trí đầy đủ các điểm đỗ xe nhưng quá trình thi công, quá trình sử dụng các chủ sở hữu đã cố tình thay đổi. Qua kiểm tra phát hiện nhiều tòa nhà có điểm dừng đỗ bị sử dụng sai mục đích, bị thay đổi so với thiết kế ban đầu. 
 
Đoàn thanh tra kiểm tra 80 nhà cao tầng ở TP.HCM thì có 16 tòa nhà đủ điều kiện phục vụ điểm đỗ xe, 6 tòa nhà không có điểm đỗ, số còn lại không đáp ứng được yêu cầu đỗ xe nên đã đẩy áp lực đỗ ra cả lòng lề đường.
 
Vì vậy, chúng ta cần làm nghiêm túc ngay từ khi phê duyệt dự án và có kiểm tra giám sát cũng như chế tài hợp lý. Theo cá nhân tôi, các thành phố cần kiên quyết trả quỹ đất cho điểm đỗ theo đúng quy hoạch để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điểm đỗ.
 
Mới đây, Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc thí điểm thay đổi “phí trông giữ xe” thành “giá trông giữ xe” tại Hà Nội và TP.HCM. Quan điểm của ông như thế nào?
 
Tôi cho rằng đây sẽ là bước chuyển biến lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư vào bãi đỗ xe. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa giá và phí. Phí là của Nhà nước, công cộng mà ai dùng thì đóng một phần phí. Ví dụ dùng lòng đường, vỉa hè, khu đất trống… trả Nhà nước một phần phí này.
 
Nhưng nhà đầu tư thì là đất của họ, họ kinh doanh thì phải trả về giá chứ không phải phí. Trông giữ thô sơ có giá khác, có mái che giá khác, nhà trông giữ thông minh, dùng máy gắp xe… thì phải giá khác chứ. Dịch vụ thế nào giá thế đó.
 
Người dân có quyền lựa chọn. Ví như chiếc xe hàng chục tỷ, hay một vài trăm triệu… chọn chỗ nào cho phù hợp. Đây là nhu cầu rất lớn của nhân dân, nhu cầu có thật.
 
Các nhà đầu tư đều nhìn thấy nhu cầu dịch vụ đỗ xe là có thật và có thể làm ra tiền ngay. Tuy nhiên, chính mức phí trông giữ đã khiến người ta ngại. Doanh nghiệp được quyền quyết định giá vé là điều hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, giá vé cần sự quản lý của Vụ Chính sách giá (Bộ Tài chính) nhằm khống chế giá trần, giá khung để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Giá vé trông giữ xe cũng giống như giá taxi. Các nhà kinh doanh quyết định giá trên thang bậc giá mà Nhà nước đưa ra.
 
Nhiều điểm trông giữ xe vẫn thu phí quá giá, thậm chí có điểm được các đơn vị trông giữ khoán doanh thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè tạo nên sự lộn xộn bất bình đẳng về thu phí đối với doanh nghiệp. Ông nghĩ gì về điều này?
 
Hiện nay, mức phí sử dụng lòng đường và mức thu phí trông giữ phương tiện giữa Hà Nội và TP.HCM chưa thống nhất nhau.  Cụ thể, phí sử dụng lòng đường vỉa hè Hà Nội thu 25 nghìn đồng/m2 và 45 nghìn đồng/m2 trong khi TP.HCM chỉ là 12 nghìn đồng/m2 do các quận cấp lệ phí. Phí trông giữ xe ôtô ở Hà Nội là 30 nghìn đồng/2 tiếng và có nhiều mức thu do phụ thuộc vào điểm trông “thổi giá”; ôtô gửi ở  TP.HCM là 5.000 đồng/lượt xe. 
 
Ngoài ra, mức giá trông giữ xe cũng được chia theo cách tính theo mét vuông sử dụng, áp dụng cho tất cả các đơn vị trông giữ và tính theo phí áp dụng dựa vào doanh thu. Những cách tính này vô hình chung đã tạo nên sự lộn xộn, bất bình đẳng cạnh tranh về giá thu cho doanh nghiệp.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Mai Tuân - Nguyễn Linh thực hiện
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang