Thông tin thêm vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo nghìn tỷ Vietinbank

author 06:51 26/09/2013

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Kết luận điều tra khẳng định có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân, ngân hàng lên đến hơn 4.900 tỷ đồng.

Ngoài hành vi nêu trên, các cơ quan tố tụng đang xem xét liệu Như có hành vi tham ô tài sản hay không?



Huỳnh Thị Huyền Như đã dùng các thủ đoạn sau để chiếm đoạt tài sản: Làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư của Ngân hàng Vietinbank, giả chữ ký của GĐ Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để nhận tiền ủy thác của một tổ chức, sau đó chiếm đoạt số tiền này; Thay đổi hồ sơ mở tài khoản của một số khách hàng, ký giả chữ ký chủ tài khoản trên hồ sơ mở tài khoản để sau khi huy động được tiền của các khách hàng này vào Ngân hàng Vietinbank, Như ký giả chữ ký của chủ tài khoản để chiếm đoạt. 

Đối với một số khách hàng, sau khi lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP HCM ký hợp đồng tiền gửi, khách hàng đã chuyển tiền vào tài khoản tại Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như đã tự ý lập thẻ tiết kiệm mang tên khách hàng, giả chữ ký của khách hàng để cầm cố thẻ tiết kiệm cho Vietinbank, rút tiền thông qua hợp đồng vay với Vietinbank; Giả lệnh chi, ký giả chữ ký của chủ tài khoản mở tại Vietinbank để rút tiền sử dụng cho mục đích cá nhân.

Liên quan đến hành vi giả chữ ký của khách hàng để cầm cố sổ tiết kiệm, vay vốn của Vietinbank nêu trên, Cơ quan CSĐT đã kết luận một số cán bộ, nhân viên Vietinbank về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo kết luận điều tra thì một số cán bộ, nhân viên của Vietinbank đã có hành vi vi phạm quy định của chính Ngân hàng Vietinbank và Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền vay của Ngân hàng Vietinbank.

Với các hành vi nêu trên, Huỳnh Thị Huyền Như đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết luận này làm nảy sinh vấn đề pháp lý là Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tiền hay của Ngân hàng Vietinbank. Về mặt pháp lý, việc chiếm đoạt tiền của ai trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến việc quyết định tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như (tội lừa đảo, với mức hình phạt cao nhất là chung thân hay tội tham ô, với mức hình phạt cao nhất là tử hình).

Vấn đề này cũng đã được VKSNDTC đặt ra khi trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung. Theo VKSNDTC thì đối với trường hợp khách hàng đã ký hợp đồng tiền gửi với Vietinbank để gửi tiền, sau đó, bị Như chiếm đoạt bằng cách tự ý trích lập thành các sổ tiết kiệm mang tên khách hàng, thế chấp vay tiền tại chính Vietinbank và làm các lệnh chi giả để chuyển vào tài khoản của hàng chục cá nhân, tổ chức để trả nợ. Như vậy, với việc ký hợp đồng nhận tiền gửi của khách hàng, trách nhiệm quản lý đối với số tiền này thuộc về Vietinbank, trong việc Như chiếm đoạt số tiền này thì Vietinbank phải là đơn vị bị hại.

VKSNDTC cũng yêu cầu CQĐT làm rõ quy định trách nhiệm trong việc quản lý của Vietinbank đối với tiền gửi của khách hàng sau khi ký hợp đồng nhận tiền gửi; thời điểm Như thực hiện hành vi chiếm đoạt (trong hay ngoài thời hạn hợp đồng tiền gửi), xác định rõ trách nhiệm quản lý đồng tiền trên thực tế, trách nhiệm kiểm tra, giám sát tại thời điểm tiền bị chiếm đoạt; từ đó xác định Huỳnh Thị Huyền Như có hành vi phạm tội “tham ô tài sản” hay không? Hành vi thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP HCM và trách nhiệm dân sự của Vietinbank chi nhánh TP HCM.

Theo PLXH

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang