Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực

author 18:25 27/06/2020

(VietQ.vn) - Đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư quy mô lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở: định vị là một trong những trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á, Hà Nội phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực.

Trong tương lai không xa, Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế chính trị, văn hoá giáo dục của Vùng Thủ đô mà còn tự tin định vị mình là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” với sự tham dự của khoảng 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tổ chức sáng 27/6 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Hà Nội và các bộ ngành. Ảnh: VGP

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư quy mô lớn, “diễn ra trong 4 tiếng nhưng chuẩn bị mất hơn 4 tháng”. Đây là lần thứ tư, Thủ tướng cùng Hà Nội xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra.

Hội nghị đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm chân thành hợp tác được đề cao, theo đó hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước trong một tầm nhìn dài hạn. Theo Thủ tướng, đây là thông điệp quan trọng về thu hút đầu tư của Việt Nam.

“Quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cho rằng, với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, bởi theo dòng lịch sử của Việt Nam hơn 1.000 năm, kể từ năm 1010 khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á.

Vì vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để Hà Nội hiện thực hóa được tầm nhìn đó. Theo Thủ tướng, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.

Bàn về yếu tố “thiên thời”, Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, phải tranh thủ các cơ chế đặc thù mà Hà Nội đang có như Luật Thủ đô, Nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội. Chính quyền Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế hãy nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù này như yếu tố thiên thời hiếm có của Hà Nội.

Bàn về yếu tố “thiên thời”, theo Thủ tướng, chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay. Hội nghị là cơ hội để Hà Nội tìm “cổ đông chiến lược” để phát triển, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp đặt niềm tin và phát triển vùng đất rồng bay này.

Khẳng định “nhân hòa là yếu tố then chốt nhất với Hà Nội”, Thủ tướng cho rằng, hơn 20 năm trước, Hà Nội được vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, đó chính là giá trị ”nhân hòa" của Hà Nội. Đến nay, sau hơn 20 năm, Hà Nội tiếp tục khẳng định xứng đáng với danh hiệu đó. Thủ tướng đề nghị, để tiếp tục toả sáng giá trị "nhân hòa", Hà Nội phải làm tất cả để bật ra được hình ảnh trong trí nhớ và trái tim mọi người về “Thành phố Vì hòa bình”; xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp; nuôi dưỡng giá trị đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp...

Thủ tướng mong muốn Hà Nội hành động, thực hiện một cách nhất quán phương châm hợp tác đầu tư và phát triển"; không để đây chỉ là khẩu hiệu suông. Hợp tác ở đây không chỉ là với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là hợp tác với các địa phương trong Vùng Thủ đô, với cả nước và quốc tế để phát triển”, Thành công của Hà Nội cũng chính là thành công chung cho tất cả các địa phương, Vùng Thủ đô cũng như cả nước và ngược lại, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần không bỏ lại doanh nghiệp nào phía sau, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đang “làm tổ cho đại bàng đẻ, nhưng cũng phải rải thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no” và phát triển tốt ở Thủ đô; cần phải quan tâm tới hộ cá thể hợp tác xã làng nghề, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải được phát triển tốt.

Hiện thu nhập bình quân đầu người Hà Nội đạt gần 5.500 USD và nếu duy trì được tăng trưởng bình quân 9 %/năm thì chỉ trong vòng 10 năm tới, đến năm 2030, Hà Nội sẽ chạm ngưỡng nền kinh tế có thu nhập cao. Mục tiêu tối thiểu Hà Nội cần đặt ra là phải cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu 2045 của cả nước ít nhất 10 năm, thậm chí 15 năm- Thủ tướng nêu yêu cầu với Hà Nội.

 Các nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, Thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, với nhiều dự án quy mô lớn, trong đó, Tập đoàn FLC và Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đối với 3 dự án trọng điểm trong lĩnh vực bất động sản, với quy mô tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang