Thức ăn bị chuột gặm chớ tiếc mà ăn kẻo tử vong có ngày

authorThanh Nhàn 14:07 11/01/2018

(VietQ.vn) - Con người có thể mắc hàng chục bệnh nguy hiểm và dẫn đến tử vong nếu ăn phải thức ăn do chuột gặm nhấm.

Chuột thuộc bộ gặm nhấm, chúng thường được chia thành các loại khác nhau như: Chuột cống, chuột nhà, chuột nhắt, chuột chũi, chuột chù,… chuột là kẻ thù của con người về cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Chuột không chỉ phá hoại tài sản, lương thực thực phẩm mà chúng còn là nguồn gốc gây nên hàng chục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người.

Cảnh báo trên báo Tuổi trẻ, Ths.BS Lê Hồng Nga - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc - xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, cho biết, trên thế giới, các loài chuột có thể truyền nhiễm cho con người đến 35 căn bệnh khác nhau. Trong đó, có một số bệnh phổ biến ở Việt Nam: Dịch hạch, bệnh Vàng da xuất huyết (bệnh Leptospirose), sốt chuột cắn, bệnh do vi khuẩn Salmonella. 

Chuột là nguồn gốc gây nên hàng chục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người. Ảnh minh họa

Hiện nay vì sơ suất một số thức ăn của chúng ta có thể bị chuột gặm nhấm và tha đi. Tuy nhiên, có một số trường hợp do tiếc của, các bà nội trợ thường cắt phần thức ăn hoặc bánh trái... bị chuột gặm và sử dụng lại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt (Viện Nutifood, Việt Nam) cho biết: “Thức ăn bị chuột gặm chắc chắn không nên ăn vì chuột là một trong những ổ chứa nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm khác nhau, trong đó có những bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong cho người sử dụng”.

Theo Bác sĩ Nguyệt, vi khuẩn Salmonella (thường có trong phân chuột hay một số loại thú cưng, loài gặm nhấm), người bệnh có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với phân hay thực phẩm do chuột ăn dở, làm ô nhiễm. Theo Wikipedia, các chủng vi khuẩn Salmonella gây ra các bệnh như thương hàn (do Salmonella typhi), phó thương hàn, nhiễm trùng máu (do Salmonella choleraesuis) và ngộ độc thực phẩm (Salmonellosis). Các triệu chứng do Salmonella gây ra chủ yếu là tiêu chảy, ói mửa, buồn nôn xuất hiện sau 12 - 36 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm Salmonella.

Nói về mức độ nguy hiểm của chuột, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng từng cảnh báo trên báo VnExpress, xoắn khuẩn Leptospira ở chuột cũng có thể gây tình trạng sốt, vàng da, suy gan, suy thận cho người. Bệnh này đã gặp khắp nơi trên thế giới. 

Người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với chất bài tiết, xác chuột bệnh, có thể lên cơn sốt do vi khuẩn Streptobacillus moniliformis gây nên. Loại virus này thường có trên chuột ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Riêng ở châu Á, bệnh sốt từ chuột thường do vi khuẩn Spirillum minue.  Một loại virus khác là Lassa, chủ yếu qua tiếp xúc với chất bài tiết, gây sốt Lassa. Bệnh thường gặp nhiều ở châu Phi.

Có thể lây bệnh nguy hiểm từ việc giặt chung quần áo ngày trời ẩm(VietQ.vn) - Chuyên gia cảnh cáo, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, đặc biệt, nếu quần lót giặt chung các loại quần áo khác dễ mắc bệnh nguy hiểm...

"Vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis, chủ yếu do bọ chét hút máu chuột và loài gặm nhấm bệnh rồi cắn lây sang người. Trước đây dịch hạch đã từng gieo rắc kinh hoàng khi giết chết hàng triệu người ở châu Âu, hiện nay bệnh hiếm gặp nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở châu Á, châu Phi và thậm chí ở Mỹ", bác sĩ Châu nói.  

Với Hanta virus, theo nghiên cứu của các bác sĩ thuộc Viện Pasteur TP HCM từ các ca bệnh cụ thể, loại virus này gây sốt xuất huyết thể thận. Trước tiên bệnh nhân bị sốt xuất huyết sau đó có dấu hiệu suy thận. Bệnh được xác định ở khu vực châu Á và Đông Nam Á với tỷ lệ tử vong 4 - 15%. Hanta lan truyền theo đường hô hấp từ các chất thải bài tiết của động vật gặm nhấm.  

Con người có thể mắc 35 bệnh nguy hiểm và tử vong nếu ăn phải thức ăn do chuột gặm nhấm. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, chuột còn có thể là nguồn lây ký sinh trùng cho người. "Bệnh viêm màng não do giun Angiostrongylus cantonensis là một ví dụ. 

Đây là một loại giun sống ký sinh sinh trong động mạch phổi của chuột, giun đẻ trứng ở thực quản chuột, trứng theo phân chuột ra ngoài. Trứng nở thành ấu trùng sống trong đất ẩm, lá rau xanh hoặc chui vào các loài ốc sống trên cạn như ốc bưu, ốc sên. 

Khi người ăn rau xanh hoặc ốc nấu không chín, ấu trùng sẽ chui qua thành ruột đi vào mạch máu, lên não gây bệnh viêm màng não nước trong. Biểu hiện lâm sàng là sốt, nhức đầu, đau gáy, yếu liệt chi hoặc nửa người… dịch não tủy của bệnh nhân có nhiều tế bào bạch cầu toan tính (chiếm 20 - 80% tỷ lệ bạch cầu). Bệnh có thể tự khỏi sau 2 - 4 tuần hoặc có thể gây tổn thương não không hồi phục, tử vong.

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang