Thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh trong kỉ nguyên mới

author 06:34 14/04/2025

(VietQ.vn) - Bối cảnh kinh tế thế giới trong quý I năm nay tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, biến động địa chính trị và những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng đã tạo áp lực lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các vấn đề nội tại của doanh nghiệp như thay đổi cơ cấu lao động, thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao, yêu cầu về chuyển đổi xanh và số hóa đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng. Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2025 đạt 6,93% là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và trên thế giới.

Đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong quý I/2025 có vai trò then chốt của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như linh hoạt điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và công nghệ, nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, bức tranh về tình hình phát triển doanh nghiệp quý I năm nay có nhiều điểm sáng tích cực. Trong tháng 3/2025, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt trên 24,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước, gấp 2,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (11,4 nghìn doanh nghiệp). Tính chung quý I, cả nước có trên 72,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024.

 Thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh trong kỉ nguyên mới.

Bước sang quý II/2025, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Trong nước, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên sẽ tạo ra nhiều thách thức không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, thích nghi với sự biến động của thị trường. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ áp thuế 46% hàng hóa nhập khẩu đến từ Việt Nam càng tạo áp lực lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt với các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, điện tử.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, theo chuyên gia, cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp như về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn pháp luật liên quan đến doanh nghiệp (doanh nghiệp, thuế, trung tâm tài chính…) được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong đó có các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo tổ chức bộ máy mới, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp: Hoàn thiện Nghị quyết về Trung tâm tài chính. Đẩy mạnh việc phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Về kích cầu tiêu dùng: Xem xét, xây dựng “Chương trình kích cầu tiêu dùng quốc gia” với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng thông qua tăng trưởng các lĩnh vực bán lẻ, du lịch.

Về khoa học và công nghệ: Tập trung đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Tăng cường năng lực tự chủ: Xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và công nghệ từ nước ngoài. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang