Tiến sĩ Ngô Quý Việt nhận Huy chương vì sự phát triển của OIML

authorThanh Uyên 14:35 29/10/2015

(VietQ.vn) - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) TS. Ngô Quý Việt nhận Huy chương của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML) vì có đóng góp to lớn cho sự phát triển của tổ chức này.

TS. Ngô Quý Việt - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhận Huy chương của OIML

Nhân sự kiện đặc biệt Kỷ niệm 60 năm thành lập Tổ chức OIML và Phiên họp lần thứ 50 của Ủy ban Đo lường pháp định quốc tế (CIML) từ ngày 19 - 22/10/2015 tại Arcachon, Cộng hòa Pháp, ông Peter Mason, Chủ tịch CIML đã trao tặng Huy chương của OIML cho TS. Ngô Quý Việt - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL của Việt Nam vì đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của đo lường pháp định quốc tế trong quá trình đương nhiệm.

Tại lễ trao huy chương, TS. Ngô Quý Việt đã bày tỏ cảm ơn Chủ tịch tổ chức OIML và các đại biểu của các quốc gia nhân dịp được đại diện cho Việt Nam nhận Huy chương của OIML.

Là thành viên của OIML từ năm 1994, sau hơn 20 năm hoạt động trong OIML, Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn được vai trò quan trọng của OIML và ảnh hưởng thiết thực, hiệu quả của các chính sách, văn bản cũng như các hoạt động cụ thể của OIML đến lĩnh vực đo lường pháp định và thông qua đó ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thương mại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế  trên phạm vi toàn cầu cũng như ở từng quốc gia.

Tiến sĩ Ngô Quý Việt nhận Huy chương

Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Phiên họp lần thứ 50 của Ủy ban CIML

Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực trong đó đặc biệt chú trọng là lĩnh vực kinh tế. Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của WTO; nhiều Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia, các vùng lãnh thổ đã được ký kết hoặc đang được đẩy nhanh quá trình đàm phán đi đến ký kết và tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Việt Nam đã ký kết FTA với Hàn Quốc năm 2015; đã kết thúc đàm phán để đi đến ký kết FTA với EU; kết thúc đàm phán TPP với Hoa kỳ và các quốc gia khác... Do vậy, lượng hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài đã gia tăng với tốc độ rất nhanh. Số lượng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam ngày càng nhiều. 

Sự phát triển nhanh mạnh của hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia, các vùng lãnh thổ cũng như hoạt động thương mại trong nước của các doanh nghiệp, cá nhân ... đã đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng hoàn thiện và hài hòa các văn bản quy phạm pháp luật, quy định kỹ thuật về đo lường của Việt Nam với chính sách, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về đo lường của các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực, với luật pháp, chính sách về đo lường của các quốc gia khác. 

Từ Sắc lệnh về Đo lường số 8/SL năm 1950 trải qua Pháp lệnh Đo lường năm 1990, Pháp lệnh Đo lường (sửa đổi) năm 1999 đến Luật Đo lường năm 2011, đã khẳng định vai trò, vị trí của ngành đo lường nước ta.

Đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất kinh doanh cũng như khoa học, an ninh, quốc phòng. Đo lường thống nhất góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ và môi trường; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang