Tiếp cận công nghệ Blockchain sớm, doanh nghiệp trẻ phát triển rất nhanh

author 07:04 03/06/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp trẻ sẽ phát triển nhanh hơn vì đã tiếp cận công nghệ Blockchain sớm.

Bockchain là công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0

Những năm gần đây, cùng với sự chuyển động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ Blockchain đã chứng minh được tính hiệu quả cao khi ứng dụng vào trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, nông nghiệp, an ninh quốc phòng,… Blockchain đảm bảo an toàn, bảo mật, trung thực, tao cơ sở quản lý tốt cho doanh nghiệp.

Tính đến hết năm 2017, Việt Nam có khoảng 30 startup blockchain theo nghiên cứu của Infinity Blockchain Labs. Đến hết quý II/2018, theo số liệu của Viện nghiên cứu Blockchain và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain đạt 364, tăng hơn 10 lần. Số nhà đầu tư tiền mã hóa, ICO theo một thống kê không chính thức là khoảng 10.000 người.

Theo nghiên cứu, hơn 5.000 lập trình viên tại Việt Nam đang phát triển các sản phẩm công nghệ dựa trên nền tảng Blockchain. Công nghệ Blockchain tại Việt Nam đang được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực: dịch vụ tài chính (83%), chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%).

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm cũng đang lên kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ này. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang muốn tham gia đầu tư mạnh vào thị trường Blockchain tại Việt Nam.

TS Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Báo điện tử ĐCSVN 

Theo TS Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong số các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ Blockchain hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối là một trong những công nghệ đột phá được dự đoán sẽ là dẫn dắt công nghệ trong vài thập kỷ tới.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên tiếp xúc với các khoa học, các chuyên gia chuyên sâu trong và ngoài nước, trao đổi học tập kinh nghiệm của các công ty đã thành công trong lĩnh vực này để có thể ứng phó kịp thời với những thay đổi trong bối cảnh hội nhập”, ông Phạm Thế Hưng cho hay.

Cũng theo ông Hưng, cuộc cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (robot) mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Tại Việt Nam, cách mạng công nghiệp đang ở giai đoạn phát triển được tính theo cấp số nhân, kích hoạt các làn sóng tạo nên những đột phá xa hơn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi một cách toàn diện lối sống và cách chúng ta làm việc.

Chính vì vậy, việc cập nhật và hiểu được tác động của Blockchain cũng như những tiến bộ công nghệ của nó để ứng dụng trong mô hình kinh doanh và điều hành quy trình kinh doanh nhằm thích nghi với xu hướng thế giới công nghệ mới là rất quan trọng với các doanh nghiệp Việt.

DN cần tranh thủ thời cơ tiếp cận Blockchain

Theo ông Đỗ Văn Long, Giám đốc chiến lược IBL (Infinity Blockchain Lab), có thể hiểu, blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, bởi lẽ thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống.

Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Blockchain hứa hẹn sẽ tạo ra sự đột phá cho kinh tế- xã hội, những hoạt động liên quan tới giao dịch và dữ liệu cần tới tính minh bạch, chia sẻ và an toàn thông tin.

Cũng theo ông Đỗ Văn Long, công nghệ blockchain hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai Chính phủ điện tử. Các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối cũng như cơ quan, tổ chức nhà nước liên quan tới sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm ở Việt Nam cần khai thác tiềm năng của blockchainđể có thể phát triển hiệu quả trong tương lai.

“Với sự nỗ lực của nhà nước, của cộng đồng chuyên gia, các doanh nghiệp đang nghiên cứu blockchain..., chúng tôi hy vọng đến năm 2020, song song với việc thế giới sẽ có chính thức các dự án blockchain hoàn thiện thì tại Việt Nam cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi đột phá về công nghệ này”, Giám đốc Chiến lược IBL chia sẻ.

Công nghệ Blockchain giúp doanh nghiệp tăng tốc độ phát triển, theo kịp xu thế thế giới. Ảnh minh họa 

Ông Nguyễn Thái Duy, nhà sáng lập Vườn Ươm Doanh nhân Be Training cho rằng, các doanh nghiệp 10 trước sẽ chậm phát triển hơn so với các doanh nghiệp trẻ vì doanh nghiệp trẻ đã tiếp cận công nghệ Blockchain sớm nên phát triển rất nhanh.

“Năm 2019-2020 là thời điểm tốt để các doanh ngiệp phát triển mạnh vì hiện nay công nghệ smatphone nhiều, nền tảng internet tốt và công nghệ 5G đang bắt đầu thực hiện. Nếu nắm bắt được yếu tố đó các doanh nghiệp Việt có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tức nền kinh tế chia sẻ của chúng ta cũng sẽ phát triển tốt”, ông Duy nhận định.

Còn ông Dominik Weils, đồng sáng lập của Sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam cho biết, công nghệ Blockchain có những tính năng như: Đảm bảo được minh bạch thông tin nhờ các chuỗi khối Blockchain được liên kết chặt chẽ với nhau và được xác nhận bởi các thành viên trong mạng lưới, sẽ đảm bảo được tính minh bạch thông tin trong doanh nghiệp; Giảm thiểu tối đa được tình trạng gian lận, lừa đảo: khi mọi giao dịch được quản lý và thực hiện bởi Smart Contract (hợp đồng thông minh) cùng toàn bộ thông tin được minh bạch, bất biến, sẽ giúp giảm thiểu tối đa được các vấn đề gian lận, lừa đảo; Hạn chế được chi phí với Blockchain và hợp đồng thông minh, sẽ giúp doanh nghiệp loại bỏ sự can thiệp của bên thứ 3. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 1 khoản chi phí nhất định.

Ông Dominik Weils nhấn mạnh, nếu tận dụng được hết những tính năng kể trên, sức mạnh, sự bền vững cũng như sức cạnh trạnh của doanh nghiệp trên thị trường sẽ tăng lên đáng kể.

Bảo Lâm

Khởi nghiệp từ Blockchain: Doanh nghiệp cần nhiều hơn một ý tưởng(VietQ.vn) - Ông Lưu Thế Lợi - CEO Kyber Network cho rằng, để đầu tư vào một doanh nghiệp khởi nghiệp Blockchain, các nhà đầu tư không chỉ căn cứ vào ý tưởng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang