Tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh liên quan tới vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

author 15:36 18/03/2022

(VietQ.vn) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, chỉ riêng trong năm 2021, đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tăng 17,6% so với năm 2020.

Lực lượng Quản lý Thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng. Ảnh minh họa. 

Theo thông tin công bố mới đây từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, chỉ riêng trong năm 2021, đã tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tăng 17,6% so với năm 2020.

Phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tập trung vào các nhóm hành vi như thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; bảo hành, bảo vệ thông tin người tiêu dùng...

Trong bối cảnh dịch bệnh, tình trạng đầu cơ, bán hàng không rõ nguồn gốc, các vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử cũng gia tăng. Nhiều người tiêu dùng phản ánh bị lừa đảo, mất tiền khi mua hàng trực tuyến, làm theo yêu cầu của một số đối tượng mời chào mua hàng qua điện thoại, tin nhắn.

Nhằm nâng cao việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa với người tiêu dùng và kinh doanh có trách nhiệm chính là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp.

“Người tiêu dùng nâng cao ý thức về quyền lợi thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm. Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Cụ thể, trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, cung cấp chứng cứ về giao dịch hay bảo hành hàng hóa, thậm chí là thu hồi sản phẩm khuyết tật và chịu trách nhiệm với những hậu quả do việc thu hồi hàng hóa gây ra.

Chúng tôi có thể tư vấn cho doanh nghiệp về xây dựng lại quy trình và từ bản thân doanh nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất hay quy trình về xử lý khiếu nại của người tiêu dùng, cũng là một cách để góp phần tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 là đòn bẩy để cho mọi người cùng thay đổi, người tiêu dùng thì thay đổi thói quen, chúng tôi - cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi cách tiếp cận để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp cũng như vậy” - bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết.

Hiện nay, người dân vẫn có tâm lý ngại va chạm nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình. Ngoài ra, những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc hoặc vào cuộc quá chậm trễ… khiến tỷ lệ việc giải quyết quyền lợi cho người tiêu dùng chưa cao, dẫn đến người dân thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền. 

Tại lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam do UBND TP.Hà Nội và Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa “định vị” được vị trí trong quan hệ với các luật chuyên ngành, cũng như quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức khác trong việc phối hợp thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.  

“Nhà nước trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị sản phẩm, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người dân. Đồng thời, cấm các hành vi không bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân: không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn; thực hiện các hành vi bán hàng đa cấp bất chính” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kiến nghị.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang