Gia tăng đột biến khiếu nại về đồ điện tử gia dụng

author 09:19 31/10/2021

(VietQ.vn) - Nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại, phản ánh gia tăng trong quý II năm 2021 là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020, cấu trúc phản ánh, khiếu nại tới Cục CT&BVNTD phân theo lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có sự thay đổi đáng kể về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến đồ điện tử gia dụng, điện thoại viễn thông, hàng hóa tiêu dùng hàng ngày, hàng không, dịch vụ vận tải…

Tính từ ngày 1/4/2021 đến 30/6/2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã tiếp nhận qua Tổng đài 76 cuộc gọi phản ánh về đồ điện tử gia dụng (chiếm 13%); Điện thoại, viễn thông 65 cuộc gọi (chiếm 11%); hàng hóa tiêu dùng hàng ngày 59 cuộc gọi (chiếm 10%); hàng không 59 cuộc gọi (chiếm 10%); dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển 45 cuộc gọi (chiếm 7%); Tài chính ngân hàng 44 cuộc gọi (7%); Thương mại điện tử 37 cuộc gọi (chiếm 6%)…

So sánh số liệu với Quý I năm 2021 cho thấy, số lượng cuộc gọi  phản ánh lĩnh vực Hàng không là nhóm hàng hóa có tỷ trọng khiếu nại của người tiêu dùng cao nhất, đồ điện tử gia dụng; điện thoại, viễn thông giữ vị trí thứ 6 và 7. Tuy nhiên, sang Quý II năm 2021, cơ cấu khiếu nại có một chút thay đổi khi lĩnh vực Hàng không giữ vị trí thứ 5 và đồ điện tử gia dụng; điện thoại, viễn thông giữ vị trí thứ 2 và 3 chỉ sau nhóm hàng hóa “khác”.

Có thể thấy rõ, những lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 như hàng không, du lịch, tài chính, bảo hiểm đã phát sinh nhiều hơn các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, những nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại như Tín dụng tiêu dùng; Bất động sản, Nhà ở; Y tế, Chăm sóc sức khỏe; Thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn; Dịch vụ Kết nối Internet; Mạng di động vẫn là những lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phổ biến về số lượng khiếu nại của người tiêu dùng vẫn giữ ở mức trung bình như những năm trước đó.

Ngoài ra, các phản ánh, khiếu nại về hiện tượng tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng (chủ yếu liên quan đến các giao dịch trên môi trường mạng); vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, quấy rối người tiêu dùng (liên quan đến tín dụng tiêu dùng); vi phạm quy định về giao kết hợp đồng (chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, chung cư, nhà ở; gói du lịch, nghỉ dưỡng) cũng tương đối phổ biến.

Về cơ bản, các yêu cầu của người tiêu dùng đã và đang giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Chỉ có lĩnh vực bất động sản, nhà ở, do tính chất các vụ việc khiếu nại tương đối phức tạp nên thời gian xử lý thường kéo dài, một số vụ việc được chuyển đến Sở Công Thương các địa phương để xử lý theo phân cấp.

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang