Tiếp thêm nguồn lực để doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh

author 15:34 16/05/2023

Cùng với chính sách giảm, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, Chính phủ vừa tiếp tục đề xuất Quốc hội cho phép giảm thuế giá trị gia tăng với tất cả các mặt hàng.

Trao đổi với PV, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, các chính sách này đã và đang giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn lực, khơi dậy tinh thần để khôi phục sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn.

PV: Ngay những tháng đầu năm 2023, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông qua gia hạn, miễn, giảm thuế, phí. Ông đánh giá thế nào về các gói chính sách này?

TS. Tô Hoài Nam: Lạm phát một số nước và khu vực tăng cao đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong nước, do nhu cầu mua sắm của người dân không những ở Việt Nam mà cả thế giới đều sụt giảm, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi và phát triển của nhiều DN sau đại dịch Covid-19. Điều này tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2023.

Trước bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời để tiếp tục hỗ trợ DN sớm vượt qua khó khăn. Trong đó, có thể kể đến các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất để chia sẻ những khó khăn với cộng đồng DN nhằm ổn định sản xuất kinh doanh.

Điển hình như ngày 31/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01/2023/QĐ-TTg giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, với quy mô hơn 110 nghìn tỷ đồng…

Tôi cho rằng, các chính sách này rất hợp lý trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, khi chính sách được ban hành cần triển khai ngay để DN được tiếp cận một cách nhanh nhất. Điều này giúp DN sớm có thêm nguồn vốn, tiết giảm chi phí để đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng sẽ cảm nhận rõ hơn sự quan tâm, đồng hành kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành.

Cần đồng bộ với các chính sách khác, tạo động lực tăng trưởng

TS. Tô Hoài Nam cho rằng, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất sẽ tác động rất nhanh và hiệu quả đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay để các chính sách này tác động mạnh hơn nữa, cần đồng bộ với các chính sách khác như: đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo cầu cho thị trường; tiếp tục điều hành giảm lãi suất, tỷ giá; cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư… Đây là những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp sớm hồi phục và đóng góp cho tăng trưởng trong năm 2023.

PV: Mới đây, Chính phủ quyết nghị thông qua tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2% với tất cả dịch vụ, hàng hóa theo đề nghị của Bộ Tài chính. Theo ông, khi chính sách này được đi vào thực thi sẽ tác động lên cung - cầu ra sao?

TS. Tô Hoài Nam: Theo tôi, chính sách gia hạn thuế có tác dụng chủ yếu là hỗ trợ tổng cung, giúp DN vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Để hỗ trợ thiết thực hơn nữa, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội cho phép giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với tất cả mặt hàng, dự kiến số thuế giảm trong 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Đây có thể nói là sự hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu, giúp DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, khi chính sách này đi vào thực thi có vai trò quan trọng góp phần làm giảm chi phí cho DN, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó người dân được hưởng lợi. Cụ thể, với cùng một số tiền, người dân mua được nhiều hàng hóa hơn, qua đó tác động tới DN sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kiểm soát lạm phát tốt hơn. Vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng trong thời điểm này là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn do thị trường thế giới suy giảm tiêu dùng vì người dân thắt chặt chi tiêu.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)

PV: Trước ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng năm nay sẽ hỗ trợ DN vượt qua khó khăn như thế nào, thưa ông?

TS. Tô Hoài Nam: Ngay từ cuối quý IV/2022 đến nay, thị trường xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN đã phải sa thải hoặc giãn việc với số lượng lớn công nhân do thiếu đơn hàng. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 đạt rất thấp, chỉ tăng 3,32%; số lượng DN giảm do số DN tham gia thị trường ít hơn số rời khỏi thị trường…

Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi của DN. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ DN để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi. Tôi cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đạt hiệu quả cao nhất, bởi thúc đẩy cả tổng cung lẫn tổng cầu, tăng thu nhập thực tế cho người dân.

Theo tôi, tất cả chính sách hỗ trợ đều mang ý nghĩa thiết thực đối với DN, giúp cho DN tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, làm cho giá cả thị trường không tác động đến lạm phát. Nhưng, điều quan trọng hơn cả là cộng đồng DN không cảm thấy bị đơn độc khi mà Chính phủ luôn đồng hành với DN, đồng hành không chỉ ở khẩu hiệu, mà đã tính toán giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN.

Đặc biệt, đối với DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, nếu có thêm nguồn lực hỗ trợ giảm thuế lúc này là rất quý, sẽ giúp giảm được chi phí sản xuất kinh doanh, giúp vực dậy tinh thần kinh doanh. Có thể nói, tinh thần của doanh nhân quyết định đến việc kinh doanh của DN, có tiếp tục mở mang sản xuất hay không? DN có nghĩ đến lâu dài hay không? Do vậy, đối với DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh được coi là yếu thế nhất, dễ bị tổn thương nhất cần phải được ưu tiên hỗ trợ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết

Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Trong đó, cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu), việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Theo Thời báo Tài chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang