Tiếp tục tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

author 06:51 20/03/2021

(VietQ.vn) - Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần phải có môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến khó lường.

Từng ở vị trí được coi là yếu thế, sau hơn 3 thập kỷ, hiện khối doanh nghiệp tư nhân vươn mình trở thành một trong số trụ cột phát triển của quốc gia. Nhìn lại chặng đường sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 10, khối kinh tế tư nhân của Việt Nam đã định hình những dấu ấn rõ nét với đóng góp vào cơ cấu GDP luôn ở mức trên 42%, và thu hút khoảng 85-90% lực lượng lao động cả nước. 

Trong đó, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kinh tế tư nhân đã giúp Việt Nam phát triển một cách năng động và đồng đều. Ảnh minh họa.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, kinh tế tư nhân của Việt Nam đã phát triển kỳ diệu, các vùng sâu vùng xa, đã có những sản vật riêng, phát triển du lịch... Kinh tế tư nhân giúp Việt Nam phát triển một cách năng động và đồng đều. Khối tư nhân cũng góp phần nâng cao sự bình đẳng nam nữ ở Việt Nam khi giám đốc các doanh nghiệp tư nhân là nữ hiện chiếm 28%, một tỷ lệ cao trong khu vực Đông Nam Á.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, chúng ta có lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, không phải chỉ có 8 trăm nghìn doanh nghiệp, mà là trên 6 triệu, bao gồm các hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn và mạnh. "Định hướng chính sách không phải tăng số lượng, mà nâng cấp chất lượng, quy mô doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp lớn, cỡ vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp lớn không phải theo kiểu SME, cầm tay chỉ việc hay tiền bạc, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, mà quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi. Trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu", ông Lộc đề xuất.

Theo đại diện VCCI, cần phải có một xã hội trọng doanh nhân. Để biết công cuộc phát triển đất nước có thành công hay không thì nhìn vào thái độ của xã hội nhà nước với doanh nhân. Cái nhìn tôn trọng chính là nền tảng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay cho thấy cần phải có môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh.

Ông ví dụ về ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, khi nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thực hiện một loạt hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân, đầu tư thông qua nghiên cứu, công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và giúp ngành này dành lại thế thượng phong. Từ đó nhấn mạnh, trong mọi lĩnh vực kinh doanh mối quan hệ giữa nhà nước và lực lượng kinh tế tư nhân đều có thể tận dụng phương thức này.

Đối tác công tư nên mở rộng ra các hoạt động xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng của đất nước. Coi việc xây dựng các ngành này không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn cả đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. "Đây là thời điểm thích hợp để nhận thức lại vai trò doanh nhân lớn và xây dựng một chương trình yểm trợ cho các doanh nghiệp lớn. Covid-19 giúp nhận ra những yêu cầu về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội", ông Lộc nêu quan điểm.

Kinh tế tư nhân là ‘lực kéo’ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam (VietQ.vn) - Kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Điều này lại càng mang tính thực tiễn khi các văn kiện được xây dựng để trình Đại hội XIII xác định kinh tế tư nhân là động lực chủ đạo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang