Lạng Sơn: Tiêu hủy sản phẩm thuốc thú y nhập lậu, không đảm bảo an toàn sử dụng

author 05:46 26/07/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, mới đây Đội Quản lý thị trường số 4 giám sát tiêu hủy 320 đơn vị sản phẩm thuốc thú y nhập lậu, không đảm bảo an toàn sử dụng.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 4 chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện Chi Lăng tiến hành giám sát việc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm là 320 đơn vị sản phẩm là thuốc trị cảm cúm, nâng cao sức đề kháng cho gia cầm (gà, vịt con từ 1 đến 2 tuần tuổi) được nhập lậu, không đảm bảo an toàn sử dụng.

Toàn bộ số hàng hoá nêu trên là của ông Triệu Văn Đại ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn bị Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra, bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Sau khi xác minh lực lượng chức năng đã phạt ông Triệu Văn Đại 16.000.000đ cùng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá vi phạm trên.

Ông Triệu Văn Đại đã chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 15040054/QĐ - XPVPHC và thực hiện tiêu huỷ hàng hoá theo đúng quy định của pháp luật trước sự chứng kiến, giám sát của Đội Quản lý thị trường số 4 và các cơ quan chức năng của huyện. Địa điểm tiêu huỷ tại Bãi xử lý rác thải Đèo Quao, khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; quá trình tiêu huỷ hàng hoá đảm bảo đúng quy trình quy định, an toàn, không gây ô nhiễm môi trường.

 Toàn bộ số thuốc thú y nhập lậu bị tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Liên quan tới tình trạng nhập lậu thuốc thú y, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Văn bản nêu rõ, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y và phản ánh của cơ quan truyền thông, thời gian qua có tình trạng buôn bán thuốc, vaccine thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt là vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ NN&PTNT nông thôn đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp. Trong đó, tham mưu chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Đồng thời, thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán thuốc, vaccine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y (vaccine) nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Trường hợp phát hiện các lô hàng thuốc, vaccine thú y nhập lậu thì phải xử lý tiêu hủy theo quy định. Bên cạnh đó, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra về buôn bán, sử dụng thuốc thú y; tổ chức kiểm tra, thanh tra tại cơ sở buôn bán thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lấy mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc thú y trong Danh mục cấm sử dụng, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, thuốc thú y nhập lậu đặc biệt là vaccine thú y cần xử lý kiên quyết, triệt để theo quy định gồm: Thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết.

Đối với những tổ chức, cá nhân buôn bán hàng lậu với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cần chuyển sang cơ quan điều tra, xử lý hình sự và truy tố trước pháp luật theo quy định của pháp luật. Bộ NN&PTNT cũng giao Cục Thú y thành lập các Đoàn công tác và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thú y từ Trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y theo quy định.

Quy định xử phạt khi nhập khẩu thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn

Chính phủ ban hành Nghị định 07/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, điểm a khoản 25 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu mỗi loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất công bố.

(Trước đây, phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị lô sản phẩm nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất công bố)

Như vậy, hành vi nhập khẩu thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng bị phạt đến 15 triệu đồng.

Lưu ý: Đây là mức phạt tiền áp dụng với cá nhân vi phạm, trong trường hợp tổ chức vi phạm bị phạt đến 30 triệu đồng.

(Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 90/2017/NĐ-CP)

Ngoài ra, Nghị định 07/2022/NĐ-CP đã bổ sung hành vi vi phạm mới bán mỗi loại thuốc thú y nhập khẩu có chứa chất ma túy, tiền chất cho cơ sở buôn bán thuốc thú y không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y theo quy định, cơ sở không được phép hành nghề khám bệnh, chẩn đoán bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật, cụ thể:

- Phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ việc nhập khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất từ 09 tháng đến 12 tháng.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất quy định và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được.

(theo Khoản 25 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

Nghị định 07/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2022.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang