Tình hình Biển Đông hôm nay: Trung Quốc chĩa mũi nhọn sang Philippines

author 16:11 23/08/2014

(VietQ.vn) - Tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hôm nay cho thấy mối quan hệ của Trung Quốc với các nước có dấu hiệu căng thẳng do các hành vi gây hấn của nước này trên Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Mỹ cáo buộc máy bay quân sự Trung Quốc có hành động khiêu khích trên Biển ĐôngTheo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hôm nay, tờ Reuters dẫn lời Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã trao công hàm phản đối với Bắc Kinh về vụ can thiệp trên không trong tuần qua, trong đó một máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay gần một máy bay tuần tra của Hải quân Mỹ và diễn tập bay nhào lộn xung quanh máy bay của Mỹ trong không phận quốc tế.

Ngoài ra, Nhà Trắng nhận định sự việc máy bay Trung Quốc bay sát máy bay do thám của Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam là hành động khiêu khích đáng lo ngại.  Trả lời phỏng vấn của báo giới, Ben Rhodes - Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng khẳng định động thái trên là "hành động khiêu khích gây quan ngại sâu sắc." 

Tình hình Biển Đông hôm nay

Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Được biết, vụ việc xảy ra hôm 19/8 tại địa điểm cách đảo Hải Nam 200 km về phía Đông. Theo thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết, máy bay tiêm kích của Trung Quốc đã bay gần máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon của Mỹ với khoảng cách 10 m và bay lộn một vòng qua đầu máy bay này.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía Mỹ đã lên tiếng phản đối hành vi gây hấn này của Trung Quốc và tin rằng hành động này đã làm xói mòn những nỗ lực tăng cường quan hệ giữa Mỹ và quân đội Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc chĩa mũi nhọn sang Philippines

Những tin tức gần đây trên báo chí cho thấy căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông có dấu hiệu leo thang từ tháng 8, khi Philippines đến đảo Thị Tứ và phát hiện ra tàu của Trung Quốc xuất hiện trong khu vực Reed Bank, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của của Philippines. Đây là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Philippines kiểm soát.

Trước đó, vào ngày 1/8 cũng đã xảy ra một cuộc đụng độ khi tàu cá chở cán bộ và phóng viên Philippines tới đảo Thị Tứ bị đuổi đi do Trung Quốc đang thực hiện một cuộc tuần tra. Chiếc tàu này đã bị đuổi đến Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây) và cuối cùng buộc phải trở về vùng biển quốc tế.

Tình hình Biển Đông hôm nay

Đảo Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa (Việt Nam). Ảnh minh họa

Phát biểu trước báo giới, tổng thống Philippines cho biết, ngày 21/8 có 2 tàu thăm dò hàng hải Trung Quốc đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nơi được cho là có tiềm năng dầu và khí đốt. Cũng theo một quan chức cấp cao của Philippines, Trung Quốc đang mở rộng phạm vi các cuộc tuần tra và tiến hành nhận dạng đánh dấu khu vực Reed Bank. Các quan chức cho biết, Philippines sẽ phá hủy tất cả các dấu hiệu tìm thấy được.

Thái Lan mong muốn hòa bình, ổn định trên Biển Đông

Phát biểu tại một cuộc hội thảo quốc tế, ông Sihasak – Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan kêu gọi các quốc gia ASEAN cần phải cảnh giác trước sự phát triển và cạnh tranh đến từ một số các cường quốc lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan nhận định: Trung Quốc là một cường quốc và đang ngày càng vươn tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới trong khi Nhật Bản đang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh toàn cầu còn Mỹ lại muốn hướng đến chiến lược tái cân bằng, chính sách xoay trục châu Á – Thái Bình Dương.

Tình hình Biển Đông hôm nay

Tình hình Biển Đông là ưu tiên hàng đầu của các nước ASEAN. Ảnh minh họa

Trước tình hình này, ông Sihasak tuyên bố, “Trên thực tế, khi các cường quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong cùng một khu vực, việc căng thẳng leo thang là điều hết sức thực tế”, ông Sihasak tuyên bố. Đồng thời, thư ký thường trực bộ Ngoại giao Thái Lan cũng nhấn mạnh đến vấn đề Trung Quốc liên tiếp có hành động gây hấn trên Biển Đông với các quốc gia ASEAN và tình hình phức tạp ở bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Sihasak cũng khẳng định Thái Lan mong muốn hướng đến hòa bình, ổn định trong khu vực để có thể đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế. “Chúng ta không thể để vấn đề tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là trên Biển Đông ảnh hưởng đến lợi ích phát triển kinh tế”, ông Sihasak khẳng định ASEAN cần phải sẵn sàng trước sự bành trướng và gia tăng quyền lực từ các cường quốc.

Minh Thùy (tổng hợp từ ĐSPL, Người đưa tin, Vietnam+)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang