Chuyên gia giải đáp trực tiếp về lựa chọn nông sản ‘chuẩn’ hữu cơ

author 15:45 31/08/2018

(VietQ.vn) - Sáng nay (31/8), vào lúc 9h30 trên Chất lượng Việt Nam - VietQ.vn các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận, giải đáp các vấn đề về tiêu chuẩn, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc nông sản hữu cơ.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tổng Biên tập Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) Trần Văn Dư tặng hoa 3 khách mời tham dự chương trình

Tổng Biên tập Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) Trần Văn Dư tặng hoa 3 khách mời tham dự chương trình

Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, nhu cầu của người dân tìm đến nông sản sạch, an toàn ngày càng nhiều. Nông sản hữu cơ được coi là lựa chọn hàng đầu trong xu hướng lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, sự xuất hiện ồ ạt của các sản phẩm gắn mác hữu cơ đã khiến cho không ít người tiêu dùng bối rối. Vậy thực phẩm hữu cơ phải đảm bảo những tiêu chí nào và dấu hiệu nào để người tiêu dùng nhận biết thực phẩm “chuẩn” hữu cơ?

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, kết thúc những tranh luận về tiêu chí thực sự của nông nghiệp hữu cơ, đồng thời đáp ứng mong mỏi của nông dân, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.

Để làm rõ vai trò của các tiêu chuẩn trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Đồng thời gợi mở các giải pháp minh bạch thông tin thông qua các hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng nhận diện được các sản phẩm nông nghiệp “chuẩn” hữu cơ. Chất lượng Việt Nam online tổ chức Chương trình tọa đàm truyền hình trực tuyến: “Giải pháp lựa chọn nông sản chuẩn hữu cơ”.

Tham dự chương trình có những khách mời:

- Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng VN – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- PGS. TS Lê Văn Hưng - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội - Thành viên BCH Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam

- Bà Nguyễn Thị Phương Liên- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên.

- Biên tập viên Doãn Trung dẫn chương trình.

MC: Thưa bà Hà, là đại diện cho cơ quan quản lý về công tác xây dựng tiêu chuẩn, bà có thể cho biết sẽ có những giải pháp nào để kiểm soát chuỗi sản xuất sản phẩm chuẩn hữu cơ để người tiêu dùng yên tâm sử dụng?

Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: 

Nguyên tắc chung của sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ là phải có đầu vào sạch gồm đất, nước, không khí, các loại con/cây giống phải thuần không được sử dụng giống biến đổi gen (GMO), các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép (nghĩa là phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ), cuối cùng là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Các loại hóa chất độc hại đều bị cấm trong canh tác hữu cơ.

Để chứng minh một sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, toàn bộ quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuẩn, bảo quản phải được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy định, hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ (tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định chung về hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sản xuất và chứng nhận, nhãn hàng hóa hữu cơ...); Các sản phẩm phải có nhãn hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc; Thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam.

Để có căn cứ khoa học vững chắc cho hoạt động chứng nhận, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bộ tiêu chuẩn cũng có quy định đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

MC: Vâng, qua phóng sự trên cho thấy nhu cầu về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng là rất lớn, thế nhưng thực tế thị trường lại thiếu nguồn cung nên đã xuất hiện những sản phẩm nông sản gắn mác hữu cơ để đội giá, kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Thưa ông Hưng có thể cho biết tình trạng này hiện này đang tồn tại như thế nào?

PGS. TS Lê Văn Hưng - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội - Thành viên BCH Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam:

Hiện tại, ở Việt Nam có hai hệ thống chứng nhận song hành. Thứ nhất là chứng nhận sản phẩm theo PGS. Xu hướng chứng nhận này hiện đang vận hành tốt, theo xu hướng chung của thế giới, giúp kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, liên nhóm hữu cơ. Hệ thống này cũng có sự tham gia của cả người tiêu dùng và vì thế, tạo được niềm tin lớn cho xã hội. Hiện đã có những mô hình liên nhóm hữu cơ hiệu quả như ở Thanh Xuân, Lương Sơn, Trác Văn…

Thứ hai là chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ KH&CN công bố. Trong đó, có quy định rõ về việc doanh nghiệp phải đảm bảo những điều kiện gì về sản xuất, sản phẩm để được chứng nhận.

Riêng về thực trạng nông sản hữu cơ nhập nhèm về nhãn để đội giá, có những sản phẩm hữu cơ không phải thực chất bán trên thị trường, hiện Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang phối hợp với một số đơn vị để tiến tới xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp tăng tính minh bạch sản phẩm. Người tiêu dùng có thể dựa vào đó để xem nguồn gốc, xuất xứ, tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng.

 Bà Ngô Thị Ngọc Hà trong chương trình truyền hình trực tiếp về "Giải pháp lựa chọn nông sản chuẩn hữu cơ"

MC: Thực tế cho thấy thấy nông nghiệp hữu cơ còn có nhiều vấn đề tồn tại dù là được sự ưu ái của người tiêu dùng và thị trường, theo (DN) từ thực tiễn doanh nghiệp mình, xin ông cho biết tham gia thị trường nông nghiệp hữu cơ hiện nay có những lợi thế và khó khăn như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Phương Liên- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên:

Có rất nhiều lợi thế khi tham gia thị thị trường nông nghiệp hữu cơ:

Thứ nhất là điều kiện của Việt Nam, đất nước của chúng ta là một đất nước nhiệt đới, khí hậu bốn mùa và độ cao của các vùng đất, thổ nhưỡng khác nhau ở các vùng miền tạo nên những sản phẩm bản địa rất tuyệt vời. Đây là một trong những điều kiện tốt để tạo ra những đặc sản mang tính địa phương.

Thứ hai, diện tích đất canh tác nông nghiệp của chúng ta lớn và chúng ta có truyền thống canh tác lâu đời. Tuy nhiên, do việc phát triển của nông hóa khiến cho sự canh tác đang có dấu hiệu bị mai một dần đi và những thói quen canh tác cũ ở những vùng sâu, vùng xa không còn giữ đậm bản sắc và cần khôi phục.

Có thể nói, đây là hai điều kiệm thuận lợi để chúng ta có thể khôi phục lại việc canh tác truyền thống. Nhưng canh tác truyền thống không thì lại không đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề sản lượng cũng như chất lượng nếu như chúng ta không đưa các bộ khoa học kĩ thuật vào và đây cũng được coi như là một thời điểm thuận cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Bởi, bên cạnh điều kiện về tự nhiên chúng ta sẵn có thì cũng có cả những chính sách của Chính phủ đã ban hành nữa và điều này đã thuận lợi hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm trước.

Cách đây 10 năm khi nông nghiệp hữu cơ của chúng tôi mới khởi sự thì chúng tôi không có mô hình thậm chí cũng không có môi trường để học tập cũng như các mô hình để tham khảo.

Về khó khăn đó là nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn nhưng chúng ta cần làm thế nào để không biến nông nghiệp hữu cơ thành phong trào. Bởi vì đã thành phong trào thì có đi lên và có đi xuống và mình chạy theo phong trào thì mình sẽ không theo được giá trị cốt lõi của nó về nông nghiệp hữu cơ. Để có thể có được sản phẩm hữu cơ thực sự cần phải có thời gian và khi sản phẩm cây trồng nào đó được gọi là hữu cơ ngoài việc không có một chút hóa chất nào khác. Và việc tái thiết lại hệ sinh thái cần có sự bền bỉ từng ngày và cần có thời gian.

Khi một sản phẩm nào đó được gọi là hữu cơ ngoài việc không có hóa chất thì các sản phẩm phải được tạo ra một cách rất tự nhiên và mọi loài trên khu vườn hữu cơ đó phải được tôn trọng và bình đẳng như nhau nhưng phải có kiểm soát và không để cho bùng phát bằng việc tái thiết sự cân bằng. Do đó, với người làm nông nghiệp hữu cơ phải đòi hỏi sự bền bỉ, quyết tâm. Và hiệt huyết, tâm nguyện của người làm hữu cơ là có rồi thì cũng cần phải có sự đồng hành của người tiêu dùng  giúp cho những người sản xuất hữu cơ quyết tâm hơn vì nếu người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen của mình. Chẳng hạn, giờ đây người tiêu dùng đang lo lắng về việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm và lựa chọn sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, ngay ngày mai, khi thông tin về mất an toàn vệ sinh thực phẩm lắng xuống thì người tiêu dùng lại không còn lựa chọn sản phẩm hữu cơ nữa và sẵn sản ra chợ mua bất bì sản phẩm nào. Trong khi đó lại đòi hỏi người làm nông nghiệp hữu cơ rất trung thanh và việc tái thiết hệ cân bằng sinh thái không phải ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình.

Vấn đề ở đây là làm sao để cân bằng giữa các nhà: Nhà sản xuất, Nhà quản lý và người tiêu dùng. Do vậy việc ban hành TCVN về nông nghiệp hữu cơ là một phương tiện, công cụ để giúp cho nông nghiệp hữu cơ đứng vững hơn và trong quá trình áp dụng TCVN tôi cũng hi vọng rằng, với việc ra đời TCVN cùng sự quyết liệt của Chính phủ thì nông nông nghiệp hữu cơ sẽ thêm đảm bảo và giúp cho người tiêu dùng yên tâm để lựa chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước không còn chọn nông nghiệp hữu cơ quốc tế. 

 MC Doãn Trung đang đặt câu hỏi cho các khách mời 

MC: Vâng, thưa PGS. TS Lê Văn Hưng, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng của thị trường nông sản hữu cơ Việt Nam khi mà những năm gần đây nông nghiệp hữu cơ đã gây được sự chú ý cả với người tiêu dùng và doanh nghiệp?

PGS. TS Lê Văn Hưng - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội - Thành viên BCH Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam:

Theo tôi, việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là tín hiệu mừng không chỉ đối với Việt Nam, đây còn là xu hướng chung của thế giới. Việc ngày càng nhiều người dùng sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng cho thấy bản thân người tiêu dùng đã quan tâm đặc biệt tới nhu cầu thiết thực của mình hàng ngày, nhận thức về thực phẩm sạch, sản phẩm an toàn đã tăng lên.

Tuy nhiên có thể thấy rõ một thực trạng rằng, hiện nay nhu cầu về sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất lớn nhưng nguồn cung lại chưa thể đáp ứng. Đây là thực tế chung của cả Việt Nam và trên thế giới.

Riêng tại Việt Nam, theo thống kê vào năm 2016 mới chỉ có 1,2% diện tích đất nông nghiệp. Do vậy, vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý phải làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm hữu cơ, vừa đảm bảo tính minh bạch cho sản phẩm hữu cơ. Chúng ta cần phải phân tách rõ hữu cơ là hữu cơ, rau an toàn là rau an toàn chứ không thể lẫn lộn.

MC: Với mức giá cao hơn hẳn, các sản phẩm hữu cơ vẫn được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, hiên nay việc nhận biết nông sản hữu cơ còn rất hạn chế. Đa phần chỉ tin vào quảng cáo của DN. Bà có tư vấn như thế nào để người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm chuẩn hữu cơ?

 Bà Nguyễn Thị Phương Liên- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên:

Người tiêu dùng hiện nay có rất nhiều kênh để họ có thể kiểm chứng về chất lượng của sản phẩm. Với khách hàng của chúng tội họ thường xuyên đến cơ sở sản xuất để họ hiểu chúng tôi đang làm gì và hiểu câu chuyện chúng tôi đang làm ở khu vườn. Và khi có chứng nhận thì đó là kênh cần thiết để người tiêu dùng thêm yên tâm. Tuy nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều có thể đến với nơi sản xuất vì vị trí địa lý xa xôi. Tuy nhiên, để sản phẩm có thể đi xa hơn thì chúng ta cũng cần có một công cụ ngoài việc truyền thông.

Cần có một bên thứ 3, một công cụ khách quan hơn để đánh giá xem tổ chức này có đảm bảo, có đúng sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay không. Do vậy, việc ban hành TCVN hay việc Chính phủ đã ban hành Nghị định là điều mà chúng tôi rất kì vọng và người tiêu dùng thời gian tới sẽ được đón nhận sản phẩm hữu cơ được gắn nhãn mác có tiêu chuẩn, chứng nhận cụ thể.

Vấn đề cốt lõi ở đây là truyền thông làm sao cho người tiêu dùng biết được đến những hệ thống chứng nhận này để cho người dân biết được những chính sách cũng như cách tiếp cận, đưa về địa phương như thế nào để làm sao mỗi người dân họ được biết đầy đủ, thông tin trong việc lựa chọn của mình. Ngoài ra, sản phẩm hữu cơ có những đặc trưng riêng mà người tiêu dùng mới cảm nhận được đó là sự khác biệt của sản phẩm hữu cơ của đơn vị A và đơn B là cảm xúc của họ đối với sản phẩm.

Sản phẩm hữu cơ sẽ phải lột tả được đúng chất lượng của sản phẩm đó, sản phẩm đó phải có vị đặc trưng. Làm sao, vị đặc trưng của sản phẩm khiến người tiêu dùng phải nghĩ ngay đến món ăn thích hợp với vị đặc trưng của sản phẩm này.

Trong quá trình truyền thông cung cấp cho người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ thì cần truyền thông về trách nhiệm của người tiêu dùng với hệ sinh thái và các thế hệ tương lai trong việc lựa chọn sản phẩm của mình trong tiêu dùng. Không chỉ là, việc sử dụng để thỏa mãn nhu cầu mà trong quá trình sử dung sản phẩm đấy cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của người tiêu dùng với sản phẩm. Trách nhiệm này quyết định người tiêu dùng thay vì lựa chọn sản phẩm A hay sản phẩm B cai đó sẽ thúc đẩy nhá sản xuất. Nếu như tất cả người tiêu dùng đều lựa chọn sản phẩm hữu cơ sẽ giúp cho sự đảm bảo hệ sinh thái. Như vậy chúng ta sẽ tạo thành hệ thống sinh thái về nông nghiệp hữu cơ. 

MC: Làm thế nào để người tiêu dùng biết được doanh nghiệp có áp dụng đầy đủ và đúng các TCVN về nông nghiệp hữu cơ hay không? Các tổ chức chứng nhận có vai trò như thế nào trong việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ?

Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: 

Để đạt được chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải tuân thủ tất cả các yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn hữu cơ tương ứng.

Theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Cụ thể là tiêu chuẩn này có thể là tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN 11041-1:2017, TCVN 11041-2:2017 hoặc TCVN 11041-3:2017), hoặc tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kì, tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản (JAS)…

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tự công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh là sản phẩm hữu cơ.

Người tiêu dùng thường băn khoăn liệu sản phẩm họ muốn mua có thực sự được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hay không. Chính vì vậy, chứng nhận đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm hữu cơ so với các sản phẩm thông thường.

Bộ Khoa học và công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12134: 2017 Nông nghiệp hữu cơ – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Tiêu chuẩn này được xây dựng với mục tiêu chính là đưa ra các yêu cầu cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng nhận sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn TCVN về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích phát triển và áp dụng các mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm hữu cơ phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp và thiết thực trong việc nâng cao năng suất chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

MC: Thời gian qua, Hiệp hội Nông hiệp Nông nghiệp hữu đã có những hoạt động nào để thúc đẩy phong trào sản xuất hữu cơ cũng như xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ trong người tiêu dùng?

PGS. TS Lê Văn Hưng - Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội - Thành viên BCH Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam:

Thời gian qua, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ đã thực hiện nhiều hoạt động quan trọng.

Thứ nhất là tiến hành phổ biến, tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ cho cơ quan quản lý nhà nước, cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan xây dựng hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ, cụ thể nhất là Nghị định về nông nghiệp hữu cơ dự kiến sẽ có trong thời gian tới.

Hai là xây dựng mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp cơ tại các địa phương trên cả nước.

Ba là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, kết nối hệ thống nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam với thế giới, tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương trong thúc đẩy các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

MC: Về vấn đề sản xuất, bản thân doanh nghiệp trong quá trình sản xuất của mình khi mà các tổ chức đánh giá thì mình cũng nhận thấy những khuyết điểm, những lỗi mà mình chưa hoàn chỉnh,  việc áp dụng tiêu chuẩn vào sẽ giúp mình nhìn sáng hơn những gì mình cần hoàn thiện?

 Bà Nguyễn Thị Phương Liên- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên:

Về vấn đề thương mại sản phẩm thì đưa sản phẩm ra với thị trường thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm với sản phẩm này đã có chứng nhận rồi và người tiêu dùng cũng rất dễ dàng để có thể tra cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng và các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận, cả hai bên đều cùng có thể giám sát và đánh giá lẫn nhau về chất lượng.

Thứ ba, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc mình đi bằng con đường nào và tin tưởng rằng con đường mình đi có sự đồng hành của Chính phủ và được các bên nhìn nhận, đánh giá. Đây là điều rất quan trọng. Bởi trước đây, khi mà chúng tôi mới làm nông nghiệp hữu cơ chưa có TCVN và chưa có Nghị định thì rõ ràng mình luôn luôn có cơ hội phải tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng thì người tiêu dùng mới có thể hiểu được và mới có thể hiểu rất rõ về việc sản xuất của mình như thế nào.

Khi có TCVN rồi thì câu chuyện đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều và như vậy có bên thứ ba đứng ra. Theo tôi, việc phát triển bộ Tiêu chuẩn và cùng với việc đưa hình thức, quy định về việc cấp chứng nhận chặt chẽ sẽ giúp cho bộ tiêu chuẩn có chỗ đứng trong vị thế người tiêu dùng.

Hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn đầu của việc áp dụng nên có thể chưa nhìn thấy hết những lợi ích mà cần hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn. Tôi nghĩ rằng, trong quá trình triển khai thì cả doanh nghiệp lẫn bên bộ KH&CN đều có cái nhìn rất sáng là chúng ta cùng nhau tiếp thu, điều chỉnh. Doanh nghiệp thì tiếp thu, điều chỉnh phù hợp với tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn thì điều chỉnh phù hợp với thực tế và cả hai thì chsung ta làm và tôn chỉ chỉ việc đó là điều kiện tiên quyết và xác định việc xây dựng tiêu chuẩn là chúng ta làm sao phải để bộ tiêu chuẩn tương xứng với tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó, điều này cần quá trình và lộ trình thực hiện. Khi đó, sản phẩm của Việt Nam khi được gắn việc sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn TCVN sẽ dành được niềm tin của người tiêu dùng và khi đó người tiêu dùng sẽ quay trở lại đón nhận sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.

MC: Được biết Bộ KH&CN đã xây dựng đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vậy truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ có thể giúp người tiêu dùng lựa chọn chính xác các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ hay không?

Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam: 

Việt Nam nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới. Hiện, cả nước có 33 tỉnh, thành phố hình thành các mô hình sản xuất hữu cơ.

Do đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách bài bản theo tiêu chuẩn toàn cầu về mã số mã vạch của GS1 sẽ giúp cung cấp thông tin sản phẩm chi tiết từ khâu sản xuất đến cung ứng ra thị trường là một việc làm rất cần thiết để giúp người tiêu dùng hiểu rõ và an tâm về sản phẩm mình đã lựa chọn. Về phía người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc là giải pháp thiết thực và ngắn gọn nhất để kiểm thông tin sản phẩm, khi chủ động truy xuất bằng chính mã số GS1 trên mỗi sản phẩm thông thiết bị điện thoại di động, người tiêu dùng sẽ hoàn toàn yên tâm. Còn về phía đơn vị kinh doanh, truy xuất nguồn gốc giúp bản thân họ có thể dễ dàng kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. 

Hiện nay, để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng phần mềm cài đặt trên các điện thoại thông minh để quét mã vạch, mã QR mã hóa mã toàn cầu phân định thương phẩm GTIN của GS1 (chứa thông tin về cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối cho đến thông tin chi tiết sản phẩm và hình ảnh liên quan). Khi gặp những sản phẩm không đúng với thông tin cung cấp, người tiêu dùng có thể phản hồi đến nhà quản lý và doanh nghiệp để có hướng xử lý, khắc phục.

Xin cảm ơn các khách mời đã tham dự chương trình tọa đàm truyền hình "Giải pháp lựa chọn nông sản chuẩn hữu cơ" do Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức.

Việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp những người sản xuất hiểu rõ hơn về quy trình cho ra một sản phẩm chất lượng mà còn giúp cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được thuận lợi hơn.

Vấn đề tiêu thụ sản phẩm phải đặt lên hàng đầu trước khi chúng ta làm một dự án nông nghiệp hữu cơ. Trước khi làm cần phải phải nghĩ ngay là sản phẩm bán ở đâu, giá nào, bán như thế nào. Đó là một chuỗi giá trị khép kín, trong đó các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng phải được đảm bảo.

Thời gian qua, Hiệp hội cũng tư vấn hướng dẫn cho các vùng, các trang trại, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã xác định thị trường trước khi làm kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo cho họ một kiến thức để họ nắm được quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn mà năm 2017 Bộ KH&CN đã ban hành.

Chỉ có tuân thủ theo quy trình và hệ thống tiêu chuẩn một cách nghiêm ngặt thì các sản phẩm do nông dân, doanh nghiệp làm ra mới được cấp chứng nhận hữu cơ. Chỉ khi có chứng nhận đạt sản phẩm hữu cơ thì sản phẩm đó mới ra thị trường và đến tay người dùng.

Khi sản phẩm đạt chuẩn và có chứng nhận được người tiêu dùng thừa nhận, chúng ta thậm chí sẽ không đủ hàng để bán cho người tiêu dùng và đối tác ở cả thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Doanh nghiệp làm Giấy chứng nhận hữu cơ không mất phí(VietQ.vn) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ được đề cập tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP.


BBT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang