Tôm Việt Nam mở rộng chỗ đứng tại Australia: Cơ hội từ FTA và chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu

(VietQ.vn) - Trước nguy cơ ngành tôm Việt Nam bị áp thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đang trở thành yêu cầu sống còn. Trong bối cảnh đó, Australia nổi lên như một thị trường giàu tiềm năng, không chỉ nhờ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng mà còn nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ đối tác chiến lược ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia.
Hà Nội: Tạm giữ 4,3 tấn táo đỏ nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm
Việt Nam đề nghị được đối xử như đối tác thương mại ưu tiên của Hoa Kỳ
Đổi mới tư duy nhận thức, hành động, nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược trên lĩnh vực tuyên giáo và dân vận
Hà Nội phát hiện gần 3.500 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại 4 cơ sở kinh doanh
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường Tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Australia hiện là thị trường đơn lẻ lớn thứ 5 của tôm Việt Nam, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 77 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ năm 2019 đến 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đã tăng gần gấp đôi, từ 127 triệu USD lên hơn 240 triệu USD.
Đặc biệt, tôm chân trắng – dòng sản phẩm chủ lực chiếm tới 95% tổng lượng xuất khẩu sang Australia. Trong đó, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng như há cảo tôm, tôm xiên que, tôm hấp, tôm bóc vỏ đông lạnh chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu, chứng minh mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng Australia đối với các sản phẩm tiện lợi, chất lượng cao.

Ảnh minh họa.
Lợi thế từ các FTA và quan hệ đối tác chiến lược
Việt Nam và Australia hiện cùng tham gia các FTA lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và AANZFTA. Những hiệp định này không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh nhờ cắt giảm thuế quan, mà còn đơn giản hóa thủ tục hải quan, hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật và tăng cường tính minh bạch trong thương mại.
Đặc biệt, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 3/2024 đánh dấu bước tiến quan trọng về chính trị và kinh tế, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nông – thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm.
Tôm chế biến sâu – "chìa khóa" tại thị trường Australia
Dù dân số chỉ khoảng 25,7 triệu người, Australia là thị trường có sức mua cao và yêu cầu khắt khe về chất lượng. Người tiêu dùng tại đây sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, tiện lợi và đảm bảo dinh dưỡng – đặc biệt trong nhóm dân cư trẻ và thu nhập cao tại các thành phố lớn như Sydney, Melbourne.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm tôm chế biến sâu – lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế ngày càng rõ rệt nhờ đầu tư công nghệ và cải tiến quy trình. Ngoài ra, cộng đồng người Việt với quy mô gần 300.000 người tại Australia cũng là lực lượng tiêu dùng trung thành và kênh quảng bá tự nhiên cho sản phẩm trong cộng đồng bản địa.
Tăng trưởng tiêu thụ thủy sản chế biến tại Australia đạt mức 6–8%/năm, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, ăn chay linh hoạt cũng đang thúc đẩy nhu cầu đối với protein từ hải sản như tôm.
Năng lực cạnh tranh và thách thức
Tôm Việt Nam hiện đang cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm từ Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ tại thị trường Australia – đặc biệt trong phân khúc tôm giá rẻ chưa qua chế biến. Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam nổi bật nhờ chất lượng ổn định, đa dạng mẫu mã và khả năng chế biến sâu.
Nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Stapimex, Sao Ta đã đầu tư mạnh vào công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và củng cố thị phần quốc tế.
Tuy vậy, thị trường Australia cũng đặt ra không ít thách thức. Các quy định kiểm dịch rất nghiêm ngặt, yêu cầu sản phẩm không chỉ đạt chuẩn kháng sinh, vi sinh mà còn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài từ 14–18 ngày đang là rào cản lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Để khắc phục, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách rút ngắn chuỗi cung ứng qua các điểm trung chuyển như Singapore hoặc Darwin. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị phía Australia nới lỏng một số thủ tục hành chính và kỹ thuật để tạo điều kiện cho tôm nguyên con và tôm sơ chế tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Australia – "bàn đỡ" chiến lược trong bối cảnh rủi ro từ Mỹ?
Trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao đối với mặt hàng tôm, Australia đang được xem là một "bàn đỡ thương mại" tiềm năng cho ngành tôm Việt Nam. Khác với Mỹ, thị trường Australia ổn định hơn, ít biến động chính trị và có hệ thống pháp lý minh bạch, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong trung và dài hạn.
Với nền tảng chính trị – kinh tế thuận lợi, nhu cầu gia tăng đối với sản phẩm thủy sản chế biến và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các FTA thế hệ mới, Australia hoàn toàn có thể trở thành một trong những thị trường chiến lược hàng đầu trong kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của ngành tôm Việt Nam.
Nam Dươnng