Trách nhiệm vụ lật xe khách Lào Cai: Sở GT-VT Hà Nội thanh minh

author 20:20 30/09/2014

(VietQ.vn) - Trong khi Bộ trưởng Thăng nhận định Sở GT-VT Hà Nội là cơ quan chịu trách nhiệm trong vụ lật xe khách Lào Cai thì lãnh đạo Sở lại phủ nhận.

Chiều 30/9, tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội, lần đầu tiên lãnh đạo Sở GT-VT Hà Nội lên tiếng về trách nhiệm trong vụ lật xe khách Lào Cai hôm 1/9 khiến 14 hành khách thiệt mạng.

Trước đó, khi được hỏi về đơn vị chịu trách nhiệm trong vụ việc trên, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cho biết: “Trách nhiệm trực tiếp là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là nơi đã cấp phép kinh doanh, cấp phù hiệu xe cũng như thỏa thuận về tuyến luồng, khi cấp như vậy Sở phải có trách nhiệm giám sát qua hộp hành trình. Sở Giao thông Vận tải Lào Cai phải chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát các phương tiện lưu thông trên địa bàn của mình. Các lực lượng tuần tra cũng phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra xử lý kịp thời các vi phạm. Nếu chúng ta làm tốt việc này chắc chắn xe chỉ được lên Lào Cai sẽ không thể lên Sapa và vụ việc tai nạn sẽ không xảy ra. “

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GT-VT Hà Nội nói về trách nhiệm vụ lật xe khách tại Lào Cai

Tuy nhiên, tại buổi họp báo chiều nay, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó GĐ Sở GT-VT Hà Nội khẳng định: Chiếc  xe Sao Việt bị tai nạn không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở.
Theo vị Phó Giám đốc, Công ty Sao Việt trên địa bàn Hà Nội chỉ là 1 chi nhánh, công ty chính nằm ở Lào Cai. Xe bị tai nạn vào ngày 1/9 vừa qua là xe mà là Công ty Sao Việt đăng ký để  tăng cường phục vụ nhu cầu của hành khách dịp nghỉ lễ 2/9.

“Đây không phải là xe nằm trong danh mục xe được Sở GT-VT Hà Nội quản lý. Khi xảy ra tai nạn, chúng tôi tiến hành kiểm tra xe này thì toàn bộ giấy tờ cũng như công tác quản lý đều thuộc Sở GT-VT Lào Cai và được Sở GT-VT Lào Cai chấp thuận cho xe này chạy tuyến Lào Cai – Thanh Hóa.  Khi cần tăng cường thì đơn vị này điều xe chạy từ tuyến Lào Cai – Thanh Hóa sang để chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai.”, ông Hoàng Linh lý giải.

Theo ông Linh, việc cấp phép cho xe cùng một hang chạy tuyến tăng cường là hoàn toàn phù hợp với  quy định của Bộ GT-VT.

Về việc cấp phù hiệu , ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng đây chỉ là phù hiệu cấp cho xe tăng cường. “Chúng tôi cấp phù hiệu tăng cường cho xe này từ ngày 30/8 và đã thực hiện xong lệnh tăng cường đó nhưng ngày 1/9 chiếc xe Sao Việt này lại quay từ Sa Pa trở về nên rõ ràng trách nhiệm thuộc sự quản lý của doanh nghiệp.”, ông Linh nói.

Liên quan tới việc cấm xe giường nằm, ông Linh cho biết hiện  Bộ GT-VT đang chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Tổng cục đường bộ Việt Nam ra các quy định cụ thể đối với xe giường nằm.

“Theo số liệu mà chúng tôi được biết thì trên toàn quốc hiện này có hơn 4.000 xe giường nằm, trong đó có 60% là xe hoán cải, 40% là xe nhạp khẩu. Tuy nhiên, những xe hoán cải này đều được Cục đăng kiểm, Bộ GTVT quy định tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra thì Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm đề ra các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo hơn đối với xe giường nằm, trong đó có việc quy định các khoang chở hàng, quy định chiều cao của xe, quy định số lượng xe và trọng tâm của xe như thế nào…”, Phó Giám đốc Sở nói.

Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo phải quy định đường nào thì xe giường nằm được phép hoạt động. Theo dự kiến thì đường cấp 5, cấp 6 miền núi sẽ không cho xe giường nằm hoạt động và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ không được sử dụng xe giường nằm với lý do lái xe hợp đồng  không thông thuộc đường, sẽ rất dễ gặp nguy hiểm.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang