Trẻ nhỏ có thể bị dị ứng kem đánh răng gây bệnh nghiêm trọng

author 15:42 12/08/2022

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, người tiêu dùng không nên chủ quan lựa chọn kem đánh răng cho trẻ vì có thể khiến trẻ bị dị ứng.

Trẻ nhỏ bị chàm môi do dị ứng kem đánh răng

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, một em bé 8 tuổi tại Đồng Nai bị dị ứng kem đánh răng, khiến môi khô, nứt nẻ, chảy dịch.

Gia đình đưa bé đến bệnh viện khám vì môi bị khô, đóng vảy, chảy mủ ở mép môi. Qua thăm khám, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP HCM, chia sẻ bệnh nhi bị chàm môi, kê thuốc điều trị kèm hướng dẫn.

Vài ngày sau đến tái khám, chị Nguyễn Như A. (mẹ của bé) chia sẻ bé uống thuốc thấy tình trạng môi khô đỏ, đóng vảy giảm bớt. Tuy nhiên, khi ngưng thuốc 2 - 3 ngày thì bệnh tái phát. Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ Bích nhận định kem đánh răng là nguyên nhân khiến tình trạng chàm môi của bệnh nhi tái diễn. Do đó, bên cạnh uống thuốc điều trị đều đặn, người bệnh phải thay đổi loại kem đánh răng đang dùng.

Lần này, nghe theo lời khuyên của bác sĩ, mẹ bé đổi kem đánh răng cho con. Lần tái khám tiếp theo, tình trạng chàm môi, chảy mủ của con hết hẳn.

Trẻ nhỏ có thể bị dị ứng kem đánh răng, cha mẹ nên lưu ý khi lựa chọn cho phù hợp. Ảnh: Shutterstock 

Tương tự, bệnh nhi 10 tuổi tại TP HCM cũng bị lở môi, đóng vảy. Sau thời gian uống thuốc, bôi kem mua tiệm thuốc tây gần nhà nhưng nhưng không khỏi, gia đình đưa bé đến Bện viện khám. Bác sĩ Bích chẩn đoán người bệnh dị ứng kem đánh răng, cần uống thuốc trị chàm, đổi kem đánh răng đang dùng. Sau 3 ngày thực hiện theo lời dặn của bác sĩ, tình trạng lở môi không còn diễn tiến, môi mềm mại trở lại và không còn khô lở, đóng vảy.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngọc Bích chia sẻ, thời gian qua nhiều người bệnh đến khám do môi nứt nẻ, khô môi, đau rát kéo dài do dị ứng kem đánh răng. Điều này gây khó khăn trong ăn uống, giao tiếp, sinh hoạt. Nhiều người nghĩ môi khô do thời tiết nên tự chữa bằng son dưỡng môi nhưng tình trạng nứt, đau không cải thiện.

Chuyên gia thông tin, nhiều người chủ quan trong lựa chọn sản phẩm kem đánh răng. Phần đông lại không nghĩ sản phẩm là nguyên nhân dị ứng. Vì vậy, để tình trạng tái lại nhiều lần, diễn biến nặng.

Biểu hiện đầu tiên của tình trạng dị ứng kem đánh răng là môi khô, căng cứng sau khi đánh răng. Nếu tiếp tục sử dụng, môi có thể nứt nẻ, thậm chí sưng đau, chảy mủ. Thậm chí, người bệnh lở loét khoang miệng, viêm chân răng, nổi mề đay, phồng rộp vùng da quanh miệng. Phản ứng nghiêm trọng hơn với người có cơ địa dị ứng. Biểu hiện xảy ra nhanh hay chậm cũng tùy vào cơ thể mỗi người.

Thực tế, nhiều trường hợp phản ứng sốc phản vệ, thậm chí có thể đối diện nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Những biểu hiện cảnh báo bao gồm ngứa ngáy, phát ban, sưng đỏ, nổi mề đay phù mạch; ho, khó thở, đau thắt,tức ngực; nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi; choáng váng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ngất xỉu và mất ý thức.

Nguyên nhân gây dị ứng kem đánh răng có thể bắt nguồn từ tình trạng dị ứng với một trong những thành phần có trong sản phẩm như hương liệu, chất tạo bọt, thành phần làm trắng, chất mài mòn, chất tẩy rửa, chất kết dính, chất giữ ẩm, chất tạo màu, khử trùng hay muối florua.

Bác sĩ Ngọc Bích cho biết thêm, thống kê cho thấy, đa số trường hợp phản ứng dị ứng với chất tạo mùi (hương liệu). Sau hương liệu, chất làm trắng răng cũng gây ra biểu hiện ê buốt răng, nướu; chàm môi. Kế đến là chất tạo bọt, propylene glycol (một chất hòa tan trong nước), tinh dầu, chất phụ gia sinh học, parabens, vitamin E (tocopherol) cũng có khả năng gây dị ứng.

Liên quan tới vấn đề này, trước đó các chuyên gia Na Uy phát hiện chất triclosan, một hóa chất thường dùng trong các loại hóa mỹ phẩm như nước khử mùi, xà bông, kem đánh răng, có thể làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ em.

Các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra nồng độ kháng thể Immunoglobin E (IgE) trong nước tiểu của 623 trẻ em ở độ tuổi 10. Họ phát hiện những em thường xuyên tiếp xúc với triclosan có nồng độ IgE trong nước tiểu cao hơn và tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi và bệnh sốt mùa hè (do dị ứng phấn hoa, cỏ khô) cũng gia tăng.

Một nghiên cứu trước đó tại Mỹ cũng phát hiện có đến hơn 80% mẫu nước tiểu trẻ em được xét nghiệm có chứa chất triclosan. Theo các chuyên gia, triclosan có thể thay đổi hệ vi khuẩn trên da, miệng và đường tiêu hóa. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ dị ứng.

Dù chưa thể xác định được hàm lượng triclosan mà trẻ em có thể tiếp xúc mỗi ngày là bao nhiêu, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại hóa chất này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như gây sụt cân bất thường, rối loạn hệ nội tiết và nặng hơn là gây dị tật bẩm sinh. 

Vì vậy theo khuyến cáo của các bác sĩ, người có cơ địa dị ứng nên sử dụng sản phẩm được khuyến cáo dùng cho nhóm người có da nhạy cảm. Nếu người bệnh dị ứng với mùi bạc hà hoặc quế, thì có thể thay thế bằng sản phẩm kem đánh răng hương nho, dâu, cam, xoài, mơ hoặc dầu cây trà, keo ong; lựa chọn sản phẩm không có chất tẩy trắng. Ngoài ra, khi đi du lịch, công tác... bạn cũng nên mang theo kem đánh răng đang dùng để tránh tình trạng dị ứng có thể xảy ra.

Với trẻ nhỏ, gia đình không nên cho bé dưới 6 tuổi dùng kem đánh răng người lớn. Với nhóm trẻ bị viêm da cơ địa, cha mẹ tham khảo bác sĩ da liễu cách lựa chọn, dùng sản phẩm riêng.

Đặc biệt, khi nhận thấy biểu hiện dị ứng kem đánh răng, người bệnh cần ngưng ngay việc sử dụng, đồng thời súc, rửa miệng nhiều lần để rửa trôi hết lượng kem ra ngoài. Nếu xuất hiện tình trạng ngứa, cần dùng nước ấm rửa quanh miện, bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bị khô. Nếu xuất hiện mụn nước, chảy dịch, mủ bạn đến các cơ sở y tế để thực hiện điều trị chuyên khoa.

Cách chọn kem đánh răng tốt và an toàn cho trẻ nhỏ

Một trong những điều quan trọng trong việc tạo thói quen đánh răng cho trẻ nằm ở cách phụ huynh chọn loại kem đánh răng. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại kem đánh răng tốt cho bé không biết nên sử dụng loại kem đánh răng nào cho bé là phù hợp. Dưới đây là một số tiêu chí lựa chọn:

Đạt tiêu chuẩn ADA

Sử dụng loại kem đánh răng tốt cho trẻ đã được chứng nhận bởi Hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ ADA chứng nhận, các loại kem này đã được thẩm định chất lượng an toàn bởi hội đồng đánh giá.

Kem đánh răng chứa nồng độ fluor phù hợp

Flour là hoạt chất cần có trong kem đánh răng để giúp răng của trẻ được trắng sáng và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả. Tuy vậy, nếu để trẻ em sử dụng quá nhiều flour có thể làm răng bị ố vàng và mài mòn men răng, khiến răng yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công gây sâu răng.

Theo đó nồng độ fluor thích hợp theo khuyến cáo của chuyên gia ở ngưỡng cho phép trong kem đánh răng cho trẻ: Trẻ dưới 3 tuổi: Dưới 500 ppm; Trẻ từ 3- 6 tuổi: Từ 100 – 500 ppm; Trẻ từ 6 – 11 tuổi: dưới 1000 ppm; Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Dùng kem đánh răng có hàm lượng flour bằng hàm lượng fluor của người lớn; Hương vị kem đánh răng.

Loại kem đánh răng tốt cho trẻ

Trẻ em không thích vị kem đánh răng trà xanh hoặc bạc hà quá đậm hay quá cay. Bạn có thể chọn hương vị trái cây dễ chịu thích hợp với trẻ em như dâu tây, cam, nho… chọn vị mà con thích để con cảm thấy yêu việc đánh răng hơn, lôi cuốn chúng đánh răng thường xuyên và lâu hơn.

Kem đánh răng không chứa chất mài mòn

Men răng là thành phần quan trọng bảo vệ răng, một khi chúng bị mài mòn và mất đi thì sẽ không thể tái tạo được nữa. Các nha sĩ nha khoa khuyên bạn tránh để trẻ sử dụng kem đánh răng có chứa 3 thành phần sau, vì chúng là các chất có khả năng mài mòn rất mạnh, khả năng đánh bật các vết bẩn, nhưng lại có thể làm hại men răng của con.

Ngoài việc lựa chọn đúng loại kem đánh răng còn nên chú ý đến việc sử dụng lượng kem vừa phải, không nên cho trẻ sử dụng lượng kem đánh răng quá nhiều. Trẻ em chỉ cần một lượng kem đánh răng nhỏ để giúp làm sạch răng của chúng, vì răng của trẻ em nhỏ hơn nhiều lần so với răng của chúng ta. Nếu con bạn mới biết đi nên sử dụng một lượng kem đánh răng nhỏ bằng hạt gạo. Nếu con lớn hơn, khoảng 3 tuổi thì tăng kích thước kem bằng hạt đậu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang