Trung Quốc tranh thủ tình hình mua gom gạo giá rẻ của Việt Nam

author 08:44 14/06/2014

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, nguyên nhân thương lái trung quốc ồ ạt thu mua gạo giá rẻ của Việt Nam trong thời gian qua bởi lo sợ tình hình biển Đông.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính từ đầu năm tới nay nước ta đã xuất khẩu khoảng 2,061 triệu tấn gạo. Giá gạo xuất khẩu trung bình đến nay khoảng 436 USD/tấn (FOB), giảm khoảng 1% so với khoảng 439 USD/tấn được ghi nhận trong 1-5/2013.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam

Trong đó, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 60% lượng gạo xuất khẩu. Đặc biệt, tính từ đầu tháng 5 tới nay, xảy ra hiện tượng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom lúa gạo của Việt Nam khiến giá gạo có nhúc nhích tăng thêm một chút (cụ thể gạo 5% tấm tăng hơn 200 đồng/kg)

Tuy nhiên, theo chuyên gia xuất khẩu lúa gạo, nói là giá gạo nội đại tăng nhưng thực chất so với giá trên thế giới, cùng loại gạo, giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung.

Ví như tính tới ngày 13/6, giá xuất khẩu loại gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ có giá từ 405-415 USD/tấn, trong khi Ấn Độ là 435-445USD/tấn; Pakistan 445-455 USD/tấn; thậm chí thị trường mới nổi như Campuchia cũng xuất khẩu được giá 435-445 USD/tấn.

GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích: Sở dĩ có hiện tượng thu mua ồ ạt của thương lái Trung Quốc trong thời gian qua là do nhu cầu gạo của nước này vẫn lớn, trong khi giá gạo của Việt Nam lại rẻ hơn so với các nước khác. The dự đoán tới 2020, Trung Quốc sẽ thiếu ít nhất 20 triệu tấn gạo/năm.

Mặt khác, tình hình biển Đông thời gian qua cũng là nguyên nhân tác động tới tâm lý của thương lái Trung Quốc: “ Trong khi nhu cầu cần thêm gạo là có thực, lo sợ tình hình biển Đông thêm căng thẳng, phòng khi có xung đột nên thương lái Trung Quốc tận dụng lúc giá gạo của ta còn rẻ, tranh thủ hốt đi”, GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Về giá bán gạo của Việt Nam, vị chuyên gia nông nghiệp cũng khảng định: giá bán rẻ là do chính công ty lương thực mạnh ai nấy bán, tự ý hạ giá, chỉ mong bán được là “vui rồi”.

“ Mình tăng giá thì Trung Quốc cũng phải mua thôi. Giá rẻ là tại mình thôi, nếu tất cả công ty lương thực đều thống nhất nâng cùng mức giá, ai phá giá sẽ bị phạt, thì dù thương lái Trung Quốc có chạy tới đâu cũng không thể ép giá được. Tuy nhiên thực tế DN ta lại đua nhau hạ giá, mạnh ai nấy bán, đẩy giá gạo của ta thấp hơn so với các nước khác”, GS Võ Tòng Xuân cho biết.

Lợi dụng tình hình, thương lái Trung Quốc ép giá gạo xuống thấp

Mới đây bên lề Quốc hội, ông Huỳnh Văn Tiếp, Trưởng đoàn ĐBQH Cần Thơ, cũng nêu thực trạng: thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, nhưng trong thời gian qua chúng ta luôn phải chấp nhận xuất khẩu lúa gạo với giá thấp hơn so với các nước khác.

Thực trạng này, xuất phát từ nguyên nhân là do Việt Nam không có được một chiến lược xuất khẩu nên đã xảy ra tình trạng bán rẻ, mua rẻ nông dân bị ép giá, bỏ ruộng.

“Thực tế, chúng ta luôn rơi vào thế bị động, sản xuất không tập trung, tự phát mạhh ai người nấy làm mà không có được đường lối, định hướng cụ thể dẫn tới tình trạng cái thị trường cần thì mình không có, cái chúng ta có thì lại thế giới lại thừa nên mới bị ép giá”, ông Huỳnh Văn Tiếp thẳng thắn cho biết.

Theo vị ĐBQH, tình trạng trên phải được chấm dứt ngay. Cần phải đặt ra quy hoạch cụ thể, đánh giá lại nhu cầu thị trường rồi mới tổ chức sản xuất.

“Chúng ta ký hợp đồng với các nước nhưng lại không có một quy hoạch nào cụ thể, chưa tính tới giá thành, lợi nhuận, thị trường tiêu thụ có đảm bảo lợi nhuận cho nhà nước và người dân không. Đây là cũng vấn đề gây bức xúc thời gian qua và cần phải xem xét.”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang