Trước và sau sự cố Youtube, Yeah1 đưa nhiều thông tin bất nhất?

author 07:03 22/03/2019

(VietQ.vn) - Trong khi các chuyên gia phân tích chứng khoán nhận định, giá cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 giảm do bị Youtube “trừng phạt” thì Chủ tịch HĐQT Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho rằng do tác động “diễn biến thị trường”.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Giá cổ phiếu giảm do ‘diễn biến thị trường’

Sau khi bị Youtube “trừng phạt”, cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 liên tục giảm sàn (13 lần liên tiếp), từ mức 245.000 đồng/cổ (hồi đầu tháng 3) xuống còn 102.200 đồng/cổ (ngày 21/3). Thậm chí, nhiều phiên giảm kịch sàn, cổ phiếu YEG vẫn “trắng bên mua”.

Sau 2 tuần, thị giá của YEG đã mất gần 142.000 đồng, tương đương gần 58% vốn hóa. YEG cũng trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất từ đầu năm 2019 trên thị trường chứng khoán.

Giới phân tích thị trường chứng khoán cho rằng, việc Youtube ngưng hợp tác khiến giá cổ phiếu Yeah1 giảm. Họ cũng không quên đặt dấu chấm hỏi “liệu chỉ riêng bê bối Youtube hay còn sự khuất tất nào"? Còn về phía Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT cho rằng, giá YEG giảm do tác động “diễn biến thị trường”.

 Cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 liên tục giảm sàn. Ảnh minh họa

Được biết, trước sự cố với Youtube, giá cổ phiếu YEG được “thổi” lên rất cao, đỉnh điểm lên tới 300.000 đồng/cổ. Đó là thời điểm, TTCK Việt vừa “hoàn hồn” sau một thời gian đỏ sàn, và Yeah1 chào bán cổ phần riêng lẻ của Chủ tịch Tống với giá 300.000 đồng, cao gấp gần 3 lần so với hiện tại.

Số vốn huy động trong thời điểm này lên tới hàng ngàn tỷ đồng, và số tiền “nhàn rỗi” được Yeah1 đầu tư mạnh vào mua trái phiếu đầu tư. Đáng chú ý, gần 300 tỷ đồng được “rót” vào các công ty như: CTCP Nhựa Đại An, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Tập đoàn Sunshine… Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính sau kiểm toán 2018, Yeah1 chưa có thông tin giá trị các trái phiếu trên do họ chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Yeah1 đưa ra nhiều thông tin không đồng nhất trước và sau sự cố Youtube

Trước sự cố với Youtube, trong báo cáo tài chính Yeah1 cho biết, mảng kinh doanh số kỹ thuật trên Youtube và xuất bản nội dung số chiếm tới 55% doanh thu và 88,6% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, Yeah1 cũng dự báo mảng này đóng góp tới 80% doanh thu năm 2019 cho cả tâp đoàn.

Hơn nữa, tập đoàn của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng nhiều lần công bố kết quả định giá cao, đặc biệt từ nguồn Google và Youtube với những con số đẹp về số kênh, lượng view lên tới hàng tỷ từ Youtube. Trong khi đó, họ làm “lu mờ” bản chất thực của mô hình MCN (mạng đa kênh).

Khi gặp sự cố, Youtube chấm dứt hợp đồng thỏa thuận với một số công ty con thuộc Yeah1 như: Network, Saclelab, Springme… liên quan đến nội dung thông tin không thân thiện với nhà quảng cáo, vi phạm nguyên tắc cộng đồng Youtube, sử dụng nội dung do người khác nắm bàn quyền… Yeah1 lại phân trần, họ “chỉ quản lý hỗ trợ các kênh, làm thủ tục thanh toán”. Yeah1 cũng cho rằng, Youtube Adense chỉ đóng góp 13% lợi nhuận sau thuế của tập đoàn. Yeah1 biện minh rằng, việc bị Youtube ngưng hợp tác cũng “không ảnh hưởng gì mấy đối với thị trường, cổ đông và nhà đầu tư”.

 Nhiều thông tin Yeah1 đưa ra không đồng nhất. Ảnh minh họa

Việc thông tin không đồng nhất của Yeah1 trước và sau khi bị Youtube ngừng hợp tác còn thể hiện ở việc ngay khi mua Scalelab (tháng 1/2019). Thời điểm đó, Yeah1 tuyên bố, Youtube là mảng chiến lược, Saclelab sẽ là “gà đẻ trứng vàng” cho Yeah1 trong tương lai. Nhưng ngay khi sự cố ập đến, Yeah1 lại cho rằng, mảng này không còn chú trọng, những mảng khác vẫn hoạt động bình thường. Và Yeah1 đang tìm phương án thay thế.

 
Ngay cả việc, Yeah1 ghi nhận doanh thu từ Youtube cũng trở thành dấu hỏi lớn. Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia tại Việt Nam cho rằng, bản chất Yeah1 là đại lý hỗ trợ các nhà cung cấp trên Youtube và được nền tảng này chia hoa hồng từ doanh thu quảng cáo mà các nhà cung cấp nội dung nhận được.
 

Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình của Yeah1, doanh thu của Yeah1 được hiểu họ đã ghi nhận tổng doanh thu (Gross) mà Youtube phân bổ cho toàn bộ các nhà cung cấp nội dung, thay vì chỉ ghi nhận phần doanh thu mà Yeah1 nhận được (Net). Dĩ nhiên, nếu ghi doanh thu theo cách trên, doanh thu của Yeah1 sẽ rất lớn.

Thực tế, năm 2015, Yeah1 được cấp giấy phép MCN của Youtube và thành lập hệ thống Yeah1 Network từ 2017. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016, doanh thu Yeah1 đạt 574 tỷ đồng; lãi ròng 16 tỷ. Sau khi Network đi vào hoạt động, doanh thu tăng lên 852 tỷ đồng, lãi ròng đạt 82 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu Yeah1 đạt 1.658 tỷ; 180 tỷ lãi ròng sau thuế (BCTC công ty tự lập), chỉ số gấp đôi so với năm trước đó. Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, việc YEG có thể phục hồi lại mức giá như khi IPO gần như bằng 0. Bởi ngay lúc chào sàn, định giá của YEG đã quá cao nên việc phục hồi lại gần như là điều không thể!

Thảo Nguyên

Cái tên nào của Yeah1 sẽ ‘chịu đòn’ tiếp theo từ Youtube?(VietQ.vn) - Từ việc Youtube tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận Dịch vụ và Lưu trữ Nội dung hồi đầu tháng 3 khiến lợi nhuận sau thuế Yeah1 giảm 9,4%; lãi cơ bản trên mỗi cổ phần giảm 9,3% sau kiểm toán.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang