Cảnh báo 9 chất, nhóm chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường

author 13:42 02/02/2023

(VietQ.vn) - Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) đã lên danh sách cảnh báo về 9 chất, nhóm chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường.

Theo thông tin từ Cơ quan Hóa chất Thụy Điển, các chất được chỉ định trong danh sách đặc biệt gây nguy hiểm, có thể gây ung thư, rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến sinh sản. Những chẩt này được tìm thấy trong những sản phẩm thông dụng phục vụ cuộc sống thường nhật như: sơn, giấy, hàng dệt may, da, lông thú, nhựa, mực in…

EU đã lên một danh sách cảnh báo về những chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường. Sau khi danh sách được công bố, mỗi một chất được thêm vào đó đã thắt đặt yêu cầu rà soát lại hàng hóa, sản phẩm ngay lập tức đối với các công ty sản xuất, nhập khẩu vào EU có chứa các chất đã được liệt kê. 

Người tiêu dùng thông thường có quyền yêu cầu thông tin về sản phẩm chứa những chất trong danh sách trên. Đối với người tiêu dùng chuyên nghiệp, họ có thể tra cứu thông tin một cách tự do bởi các công ty cung cấp các sản phẩm đó cho khách hàng chuyên nghiệp cần phải đăng ký thông tin trong cơ sở dữ liệu của Cơ quan Hóa chất EU trước khi lưu hành ra thị trường.

Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) đã lên danh sách cảnh báo về 9 chất, nhóm chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường. Ảnh minh họa 

Sau khi danh sách được công bố, trong thời gian tới rất có thể các sản phẩm có chứa các chất gây hại cho sức khỏe con người và môi trường sẽ cần phải có giấy phép để sử dụng, sản xuất, vận chuyển, lưu hành trong thị trường. EU còn đặt ra mục tiêu trong tương lai, sẽ loại bỏ dần các chất đã được liệt kê trong danh sách. 

Ngày 17/1/2023, Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) đã cập nhật trong danh sách 9 chất và nhóm thuộc chất đặc biệt gây nguy hiểm tới sức khỏe con người và môi trường:

1,1'-[Etan-1,2-diylbisoxy]bis[2,4,6-tribromobenzene], số EC 253-692-3, số CAS 37853-59-1. Chất này được thêm vào danh sách vì nó rất bền, khó phân hủy và gây ra vấn đề tích lũy sinh học (vPvB).

2,2',6,6'-Tetrabromo-4,4'-isopropylidedeniphenol (TBBPA), số EC 201-236-9, số CAS 79-94-7. Chất này được thêm vào danh sách vì nó gây ung thư đối với con người.

4,4'-Sulfonyldiphenol (bisphenol S), số EC 201-250-5, số CAS 80-09-1. Chất này đã được thêm vào danh sách vì nó gây ra độc tố trong quá trình sinh sản, rối loạn nội tiết trên cơ thể người và gây ô nhiễm môi trường.

Bari diboron tetraoxit, số EC 237-222-4, số CAS 13701-59-2. Chất này đã được liệt kê vì nó có độc đối với quá trình sinh sản.

Bis(2-ethylhexyl) tetrabromophthalate, bao gồm tất cả các chất đồng phân và sự kết hợp của chúng. Nhóm chất được thêm vào danh sách do các chất rất khó phân hủy và gây ra tích lũy sinh học (vPvB).

Isobutyl-4-hydroxybenzoate, số EC 224-208-8, số CAS 4247-02-3. Chất này đã được thêm vào danh sách vì nó là chất gây rối loạn nội tiết trong cơ thể người.

Melamine, số EC 203-615-4, số CAS 108-78-1. Chất này được liệt kê trong danh sách dựa trên những đánh giá rất kĩ càng về tác dụng và tác hại của nó. Bởi nó là một hoạt chất rất khó phân hủy, tuy nhiên lại có tính linh động cao tròng môi trường nước, ngoài ra có thể lan truyền trong một khoảng cách rất xa trên trái đất. Và bị nghi ngờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và môi trường.

Axit perfluoroheptanoic và muối của nó (PFHpA). Nhóm chất này đã được thêm vào danh sách vì các chất này có độc tính gây hại đến quá trình sinh sản, khó phân hủy, gây ra tích lũy sinh học và độc hại (PBT) và rất khó phân hủy và tích lũy sinh học rất cao (vPvB). Các chất này cũng có các đặc tính khác khiến chúng được coi là đặc biệt nguy hiểm.

Hỗn hợp phản ứng gồm 2,2,3,3,5,5,6,6-octafluoro-4-(1,1,1,2,3,3,3-heptafluoropropan-2-yl)morpholine và 2,2, 3 ,3,5,5,6,6-octafluoro-4-(heptafluoropropyl)morpholine, số EC 473-390-7. Nhóm chất được thêm vào danh sách do các chất rất khó phân hủy và gây ra tích lũy sinh học (vPvB).

Sau khi danh sách cùng 9 chất và nhóm chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây hại đến môi trường được Cơ quan Hóa chất Thụy Điển thông tin, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng cần kiểm tra, rà soát kĩ càng sản phẩm của mình để có sự điều chỉnh phù hợp.

Khánh Mai  

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang