Từ vụ cô gái bị lệch mặt, cảnh báo tác hại nghiêm trọng khi nặn mụn sai cách

author 15:14 14/08/2024

(VietQ.vn) - Cô gái trẻ tự lấy kim chọc, nặn mụn, khi thấy trên má nổi đám mụn kèm ngứa và đắp thuốc đông y hút mủ khiến mụn mủ viêm nhiễm căng tức, vùng mắt, mí mắt sưng to.

Bệnh nhân là chị L.T.T. (24 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội) đến viện trong tình trạng sưng phù vùng mũi má, sưng phù mí mắt, gây cản trở quá trình sinh hoạt, công việc.

Chị T. chia sẻ, khoảng 7 ngày trước khi đến viện, chị thấy trên má nổi đám mụn kèm ngứa nên đã tự lấy kim chọc, nặn mụn và đắp thuốc đông y hút mủ ở nhà. Sau 4 ngày, chị T. thấy sốt nhẹ, nửa mặt có dấu hiệu sưng phù, mụn mủ căng nhiều và nhức, lan toàn bộ mắt mũi và vùng mặt phải. Chị T. đến hiệu thuốc tiếp tục mua thuốc nhằm giảm viêm, giảm đau và tiếp tục đắp thuốc nam hút mủ trong 2 ngày tiếp.

Tuy nhiên bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, ngược lại vùng má ngày càng sưng to, căng tức và vùng mắt, mí mắt sưng nhiều hơn, người mệt mỏi và đau nhức không ngủ được. Lúc này chị T. mới đến viện khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam trực tiếp thăm khám cho chị T.. Ông chia sẻ bệnh nhân bị tổn thương áp xe vùng má phải, các vùng da xung quanh khu vực áp xe đều sưng nề lan sang vùng trán, mắt phải.

"Áp xe da thường có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau. Kích thước thay đổi thường từ 1-3cm, đôi khi có thể rất lớn. Ban đầu phản ứng viêm đỏ cương tụ nên rất cứng, sau đó ổ mủ hình thành, lớp da bên trên trở nên mỏng và sờ cảm giác mềm hơn. Ổ áp xe có thể tự vỡ và chảy mủ hoặc có thể sưng hạch vùng tổn thương. Nếu để lâu điều trị không đúng cách có thể gây hoại tử vùng da, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe", bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Thành, để điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ phải thực hiện các thủ thuật dẫn lưu mủ, vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày. Đồng thời bệnh nhân cần được sử dụng với laser, ánh sáng để giảm viêm, hạn chế bị sẹo, kết hợp thuốc bôi để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.

Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh lý của chị T. thuyên giảm, hết mủ, hết sưng viêm vùng mặt, vùng da tổn thương đã phục hồi. Vùng áp xe còn thâm và nguy cơ bị sẹo xấu sau này.

Theo các chuyên gia y tế, nặn mụn không đúng cách gây nên những tác hại nghiêm trọng cho da mặt. Có thể kể đến một số tác hại như:

Nhiễm trùng và viêm nhiễm

Khi nặn mụn trên mặt không đúng cách có nguy cơ nhiễm trùng cao. Nặn mụn vô tình gây ra vết thương hở, từ đó tạo đường dẫn thuận lợi giúp vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và tấn công, dễ gây bùng viêm và bội nhiễm. Vi khuẩn từ tay và không khí có thể dễ dàng xâm nhập vào lỗ chân lông, gây nên tình trạng viêm nhiễm. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Điều này rất gây hại cho sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, nếu nặn mụn khi nhân mụn chưa chín hoặc lỗ chân lông vẫn còn sưng đỏ không những không lấy hết nhân mụn mà còn làm tổn thương thành nang, mủ sẽ thấm sâu vào lớp hạ bì và làm tổn thương các mô biểu bì. Mụn sẽ xuất hiện trở lại và khó loại bỏ hơn sau đó.

Nặn mụn sai cách sẽ khiến mụn phát triển từ sâu bên trong làn da.

Sẹo rỗ, sẹo lồi và vết thâm

Một trong những hậu quả lâu dài và khó khắc phục nhất khi nặn mụn không đúng cách là để lại sẹo và vết thâm. Trong đó, việc tổn thương lớp biểu bì da do tác động mạnh rất dễ để lại sẹo hoặc vết thâm. Mặc dù có thể không bị tổn thương vĩnh viễn nhưng lại làm mất rất nhiều thời gian để phục hồi, gây ảnh hưởng đến làn da.

Khi da bị tổn thương quá nặng, quá trình hồi phục và chữa lành da hông thể hoàn toàn trở lại trạng thái "mịn màng" ban đầu sẽ dễ gây ra sẹo rỗ, sẹo thâm. Đặc biệt với những làn da có cấu trúc collagen yếu thì tỷ lệ để lại sẹo sau khi lành vết thương do nặn mụn sẽ rất cao.

Kích thích mụn phát triển

Nặn mụn sai cách sẽ khiến mụn phát triển từ sâu bên trong làn da. Lý do là bởi vi khuẩn khiến mụn viêm đỏ và có cơ hội lan sang vùng khác trên mặt. Điều này sẽ làm xuất hiện nhiều mụn cũng như việc điều trị trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Ảnh hưởng đến dây thần kinh

Ở mũi và miệng có rất nhiều dây thần kinh trung tâm ảnh hưởng đến giác quan. Việc nặn mụn gây cảm giác đau đớn, khó chịu khi da bị ép và đẩy mụn lên, ép lượng dầu ở vùng da quanh mụn làm tăng khả năng lan vi khuẩn sang các vùng khác.

Làn da hư tổn, lão hóa

Việc nặn mụn không đúng cách còn gây hại đến bề mặt làn da, làm mất đi tính đàn hồi và sức khỏe tự nhiên của da. Tổn thương liên tục của làn da có thể dẫn đến tình trạng da bị yếu, trở nên dễ tổn thương trước các yếu tố môi trường như nắng, gió, ô nhiễm.

Quy trình nặn mụn chuẩn y khoa:

Toàn bộ dụng cụ lấy nhân mụn cần được đảm bảo vệ sinh, hấp, tiệt trùng vô khuẩn tuyệt đối. Không được sử dụng dụng cụ nặn mụn chung với nhau.

Lấy nhân mụn cần phải lấy đúng kỹ thuật, đảm bảo lấy sạch nhân và không để lại thâm.

Vô khuẩn suốt quá trình lấy nhân mụn để hạn chế tình trạng da tái nhiễm trùng hoặc bội nhiễm.

Sau khi lấy mụn xong, chú trọng các bước khử khuẩn, làm dịu và phục hồi vùng da mụn tại chỗ, tránh hình thành sẹo.

 Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang