Từ vụ nước sông Đà nhiễm độc: Nước như thế nào là đủ chuẩn dùng cho ăn uống?

author 06:57 20/10/2019

(VietQ.vn) - Hiện tại, các đơn vị cấp nước vẫn được phép sử dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) làm cơ sở để áp dụng, kiểm tra chất lượng, cấp nước cho người dân.

Thời gian qua, dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải, khiến cuộc sống của hàng triệu người bị đảo lộn. Bên cạnh việc chờ đợi doanh nghiệp cấp nước cùng cơ quan chức năng có giải pháp thanh lọc nguồn nước, người dân tại Hà Nội cũng đã chủ động tìm kiếm những nguồn nước ăn uống khác trên thị trường để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, trong đó, phổ biến nhất là nước sạch đóng bình, đóng chai.

Mặc dù theo kết quả thử nghiệm mới nhất được Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà công bố, nguồn nước sạch đã có chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Hà Nội vẫn đưa ra khuyến cáo nước chỉ dùng cho sinh hoạt (tắm rửa, vệ sinh) chứ không nên dùng trong ăn uống.

Lúc này, dư luận không khỏi thắc mắc về việc liệu nước như thế nào được coi là nước sạch? Nước có những chỉ tiêu cơ bản ở mức nào thì được coi là nước “chuẩn” dùng cho ăn uống?

Theo bà PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), để kiểm soát nước ăn uống và nước sinh hoạt, Bộ Y tế soạn thảo và Bộ Khoa học và Công nghệ đã lần lượt ban hành QCVN 01:2009/BYT-Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống và QCVN 02:2009/BYT-Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.

Đối với QCVN 01:2009/BYT, quy chuẩn này quy định về chất lượng nước ăn uống được Bộ Y tế ban hành năm 2009 với 109 chỉ tiêu, trong đó có 15 chỉ tiêu chất lượng nhóm A (tần suất giám sát 1 tháng/lần); 16 chỉ tiêu chất lượng nhóm B (tần suất giám sát 6 tháng/lần) và 78 chỉ tiêu chất lượng nhóm C (tần suất giám sát 2 năm/lần).

Đối với QCVN 02:2009/BYT, quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt thông thường với quy mô nhỏ.

Trong quá trình áp dụng các quy chuẩn này kể từ khi ban hành tới nay đã gặp phải một số tồn tại cần khắc phục. Trong đó, việc phân theo nước ăn uống và nước sinh hoạt là không cần thiết, bởi trong thực tế là khó có thể xác định một cách rõ ràng hai mục đích sử dụng này. Mà ngược lại, nước sinh hoạt thường được sử dụng luôn làm nước ăn uống tại các hộ gia đình.

QCVN 01:2009/BYT đang quy định quá nhiều chỉ tiêu/thông số bắt buộc phải giám sát đối với chất lượng nước thành phẩm, tuy nhiên, các Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh/thành phố, các công ty cấp nước chỉ tập trung vào kiểm tra chất lượng nước cuối đường ống (tại các hộ gia đình), nên việc áp dụng theo QCVN 01:2009/BYT dường như không khả thi với nhiều tỉnh/thành do lượng mẫu phải phân tích nhiều, vượt quá khả năng về nhân lực và kinh phí của các đơn vị.

Một số đơn vị sản xuất và cung cấp nước ăn uống cũng không có khả năng phân tích tất cả 109 chỉ tiêu theo quy định. Ngoài ra, các chỉ tiêu chất lượng nước ăn uống này không giúp họ kiểm soát. Bên cạnh đó, hầu hết các Trung tâm Y tế Dự phòng/Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố chưa có đủ năng lực để phân tích toàn bộ 109 chỉ tiêu nước, đặc biệt là các chỉ tiêu 2 nhóm B và C. Đồng thời, nhiều kết quả phân tích trong nhiều năm đã không phát hiện sự hiện diện của một số chỉ tiêu được quy định trong QCVN.

Bên cạnh đó, việc quy định tới 109 chỉ tiêu bắt buộc phải phân tích theo QCVN 01:2009/BYT đã tạo ra gánh nặng chi phí cho người sử dụng nước, hơn nữa, chi phí này nhiều khi được xem là sự lãng phí khi rất nhiều chỉ tiêu không được phát hiện trong nước ăn uống thành phẩm mà vẫn phải phân tích xác định nồng độ hàng năm.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật trong QCVN 01:2009/BYT đang yêu cầu áp dụng chuẩn xác (áp dụng cứng) phương pháp thử cho mỗi thông số xét nghiệm, do vậy không phù hợp với thực tế khoa học kỹ thuật phát triển thì các phương pháp thử quy định cũng sẽ thay đổi theo. Điều này đã gây lung túng cho người áp dụng QCVN 01:2009/BYT hiện hành.

Với QCVN 02:2009/BYT, việc chỉ quy định 14 chỉ tiêu so với 109 chỉ tiêu của QCVN 01/2009/BYT nghiễm nhiên đã cho phép loại nguồn nước này có thể kém sạch hơn nước uống hoặc với các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất lớn hơn 1.000m3 /ngày đêm. Điều này là không công bằng trong hoạt động cấp nước và quyền được tiếp cận nguồn nước chất lượng của người dân ở những nơi không có sự phân biệt rõ ràng giữa chất lượng trong thực tế kiểm tra, giám sát theo QCVN 02:2009/BYT cũng xuất hiện ít nhiều điểm chưa phù hợp về việc áp dụng giới hạn tối đa cho phép nào hay áp dụng QCVN nào đối với những trạm cấp nước tập trung có công suất < 1.000m3 /ngày đêm nhưng cho các khu đô thị, dân cư để phục vụ cho mục đích ăn uống, sinh hoạt.

Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, trong QCVN 02:2009/BYT có sự phân biệt chất lượng nước giữa hai vùng đô thị và nông thôn, thông thường chất lượng nước của vùng nông thôn thường kém hơn. Điều này vô hình chung tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn nước đối với cư dân nông thôn khi so sánh với cư dân đô thị.

Kế hoạch cấp nước an toàn (WSP), dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2006, đến nay đã ở giai đoạn thứ 3 của chương trình. Cách tiếp cận mới này không chỉ là là phương tiện hữu hiệu để quản lý các rủi ro nhằm giảm thiểu những tác động gây ra cho sức khỏe cộng đồng (các bệnh lây truyền qua đường nước) mà còn giúp kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất/xử lý nước, từ đó giảm gánh nặng cho các đơn vị liên quan do phải phân tích quá nhiều chỉ tiêu chất lượng nước, giảm số lượng chỉ tiêu cần phân tích và giúp đơn vị tiết kiệm được kinh phí xét nghiệm. Do đó, xây dựng QCVN mới về chất lượng nước sạch 3 trên cơ sở hợp nhất, sửa đổi QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT là hết  sức cần thiết ở giai đoạn hiện nay.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nói trên, ngày 14/12/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Kèm theo đó là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. QCVN 01-1:2018/BYT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6/2019.

Tuy nhiên, do tại Điều 4 Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt đã quy định rõ: nếu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong thời hạn quy định thì đơn vị cấp nước có thể tiếp tục áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) cho đến hết ngày 30/6/2021.

Do đó hiện tại, các đơn vị cấp nước vẫn được phép sử dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) làm cơ sở để áp dụng, kiểm tra chất lượng, cấp nước cho người dân.

Đối với nước sử dụng cho ăn uống ( áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, kinh doanh nước ăn uống, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung dùng cho mục đích sinh hoạt có công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên (sau đây gọi tắt là cơ sở cung cấp nước) sẽ chiểu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT).

Trong QCVN 01:2009/BYT quy định rõ một số chỉ tiêu cơ bản (thuộc nhóm A) với hàm lượng cho phép cụ thể: Màu sắc (giới hạn tối đa cho phép 15 CTU); Mùi vị (Yêu cầu không có mùi vị lạ); Độ đục (giới hạn tối đa cho phép là 2 NTU); Độ pH (giới hạn tối đa cho phép trong khoảng 6,5-8,5)…

Tại nhóm B, QCVN 01:2009/BYT quy định hàm lượng Amoni (giới hạn tối đa cho phép là 3mg/l); hàm lượng Asen tổng số (giới hạn tối đa cho phép là 0,01mg/l); hàm lượng chì (giới hạn tối đa cho phép là 0,01mg/l); hàm lượng thủy ngân (giới hạn tối đa cho phép là 0,001mg/l); hàm lượng sắt tổng số (Fe2+ + Fe3+, giới hạn tối đa cho phép là 0,3mg/l)…

Tại nhóm C, QCVN 01:2009/BYT quy định hàm lượng Cadimi (giới hạn tối đa cho phép là 0,003mg/l); hàm lượng Clorua (giới hạn tối đa cho phép là 250mg/l, với vùng ven biển, hải đảo là 300mg/l); hàm lượng Styren (giới hạn tối đa cho phép là 20 µg/l); hàm lượng xylen (giới hạn tối đa cho phép là 500mg/l); hàm lượng benzene (giới hạn tối đa cho phép là 10mg/l)…

Cũng theo quy định tại QCVN 01:2009/BYT, cơ sở cung cấp nước có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước và thực hiện việc giám sát theo quy định của Quy chuẩn này. Đồng thời, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trước khi đưa nguồn nước vào sử dụng, cơ sở cung cấp nước xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu thuộc mức độ A, B, C.

Đối với việc giám sát định kỳ (với các chỉ tiêu thuộc mức độ A), phải xét nghiệm ít nhất 01 lần/01 tuần do cơ sở cung cấp nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/01 tháng do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ B, phải xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng do cơ sở cung cấp nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ C, phải xét nghiệm ít nhất 01 lần/02 năm do cơ sở cung cấp nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/02 năm do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Đối với việc giám sát đột xuất, các trường hợp phải thực hiện giám sát đột xuất được tiến hành khi: Kết quả kiểm tra vệ sinh nguồn nước hoặc điều tra dịch tễ cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm; Khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh nguồn nước; Khi có các yêu cầu đặc biệt khác.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp nước tham gia hoạt động khai thác, sản xuất và kinh doanh nước sử dụng cho mục đích ăn uống trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang