Tương lai mới cho nhà sản xuất phụ tùng và công nghiệp phụ trợ

author 06:42 28/08/2014

(VietQ.vn) - 3 triển lãm cùng nói về vấn đề sản xuất phụ tùng - công nghiệp phụ trợ được diễn ra trong các ngày từ 27 - 29/8/2014 tại Hà Nội.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Triển lãm công nghiệp phụ trợ quy mô lớn tại Hà Nội

Chào bán nhiều công nghệ phụ trợ làm tăng năng suất chất lượng sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh: N. N

Ngày 27/8 tại Hà Nội, 3 triển lãm lớn gồm: Vietnam Manufacturing Expo 2014 - Triển lãm toàn diện nhất về máy móc và công nghệ cho ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam; ICS Việt Nam 2014 - triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đồng tổ chức bởi Sở Công Thương Hà Nội; Electronic Assembly 2014 - Triển lãm máy móc chế tạo phụ tùng và linh kiện điện tử tại Việt Nam đã đồng loạt được khai trương tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội - Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Cả 3 triển lãm nói trên đều được Công ty Reed Tradex - một nhà tổ chức sự kiện và hội chợ, triển lãm của Thái Lan. Ông Duangdej Yuaikwarmdee - Phó giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc Việt Nam của Công ty Reed Tradex cho biết, 3 triển lãm được tổ chức cùng lúc ngoài việc giới thiệu cơ hội hợp tác, trình diễn công nghệ hiện đại, chào bán công nghệ, còn là dịp để hỗ trợ các ngành công nghiệp Hà Nội phát triển, tương xứng với tiềm năng của một thủ đô, đầu tầu kinh tế cả nước.

"Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng và là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu kinh tế. Các ngành này nắm giữ tiềm năng lớn để trở thành ngành đóng vai trò thiếu yếu cho sự lớn mạnh và phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế tạo phụ tùng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố để có tương lai hứa hẹn như máy móc và công nghệ hiện đại, kiến thức cập nhật và bắt nhịp xu hướng, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu đãi của chính phủ, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư công nghệ và phát triển mạng lưới nguồn nhân lực và mở rộng mạng lưới của các nhà công nghiệp có khả năng đàm phán hiệu quả hơn", ông Duangdej Yuaikwarmdee nói.

Nâng cao năng lực công nghiệp phụ trợ cho Hà Nội và cả nước

Nhiều công nghệ phụ trợ tiên tiến hàng đầu thế giới chào bán tại Hà Nội trong các ngày 27 và 29/8/2014. Ảnh: N. N

Cũng theo ông Duangdej Yuaikwarmdee, trong lần triển lãm này có trên 200 thương hiệu máy móc và công nghệ đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trưng bày trong 5 khu gian hàng quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Đài Loan - Trung Quốc. Các công nghệ, thiết bị chào bán là máy móc và công nghệ có tên tuổi giúp thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, chế tạo với độ chính xác cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất và giảm chi phí cho doanh nghiệp ứng dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trong chính sách chiến lược của quốc gia cũng như kế hoạch phát triển sản phẩm công nghiệp của Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015, phát triển các sản phẩm công nghệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát huy ảnh hưởng tác động dây truyền trong các công đoạn sản xuất, tạo ra sản phẩm trung gian có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, có vai trò hỗ trợ trong hệ thống sản xuất công nghiệp và công nghiệp tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Công thương Hà Nội để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và trình độ CHN- HĐH của Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu nói trên, ông Sửu cho biết, Hà Nội đã và đang phối hợp với các tỉnh/thành phố trong vùng để phân bổ nguồn nhân lực và phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. 

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đỗ Thắng Hải, Việt Nam là nước đang phát triển nên công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy tiếp thu các công nghệ mới, đồng thời thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và tăng giá trị xuất khẩu để đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

"Các triển lãm lần này là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận với các nhà sản xuất, nhập khẩu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện năng lực công nghệ với các máy móc, thiết bị tiên tiến, trình độ quản lý hiện đại và nâng cao năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Nguyễn Nam 


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang