UBND TP.HCM nói gì về đề án 4.000 tỷ làm SGK điện tử?

author 10:30 27/08/2014

(VietQ.vn) – UBND TP.HCM khẳng định rằng, đề án 4.000 tỷ đồng của ngành GD&ĐT TP.HCM để làm SGK điện tử chỉ mới là đề án, cần phải trải qua nhiều bước lấy ý kiến.

Sáng ngày 27/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, đề án làm sách giáo khoa (SGK) điện tử cho học sinh lớp 1, 2, 3 trị giá 4.000 tỷ đồng của ngành GD&ĐT cần phải được lấy ý kiến thêm các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, thầy cô giáo công tác trong ngành.

Khi đã hoàn thiện xong, vào đầu năm học 2014 – 2015 sắp tới, đề án này cần phải được trình bày, tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh. Phụ huynh cần phải được trình bày ý kiến sau khi xem xét khía cạnh tài chính thực tế, tác dụng của việc sử dụng SGK điện tử như thế nào trong việc học tập của con em họ…

Rất nhiều nội dụng, khía cạnh cần phải được bàn tới xung quanh chuyện sử dụng sách giáo khoa điện tử này. Nếu tất cả nhận được sự đồng thuận cao thì mới cho tiến hành thực hiện, như hiện giờ thì tất cả chỉ mới là đề án dự kiến.

Khi tất cả đã hoàn tất các công đoạn, UBND TP.HCM sẽ là người phê duyệt đề án này cuối cùng.

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt khi được liên hệ qua điện thoại thì cho rằng: Đây chỉ là vấn đề còn đang trong quá trình thảo luận, xin ý kiến nên không thể trình bày gì nhiều.

Còn Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM Đỗ Minh Hoàng cho rằng: Đây là đề án đang được triển khai lấy ý kiến dư luận rộng rãi, khi nào có chủ trương thực hiện thì công việc mua sắm mới được tiến hành.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết thêm, công việc này cần phải trải qua rất nhiều công đoạn, được tổ chức đấu thầu công khai với sự tham gia của Sở Kế hoạch Đầu tư và rất nhiều các cơ quan, ban ngành có chức năng khác.

Đơn vị nào đáp ứng được tiêu chí về chất lượng thì mới được tham gia đấu thầu, đơn vị nào trúng thầu mới được tham gia cung cấp.

Chiếc máy tính bảng của AIC với tên là Smart Education (ảnh: Tuổi Trẻ)

Trước đây, Sở GD&ĐT TP.HCM đã từng chia sẻ ý định lựa chọn máy của Samsung chứ không phải của AIC. Trước đây đã từng có rất nhiều đơn vị có ý định cung cấp máy tính bảng cho ngành GD&ĐT TP.HCM như Microsoft, Smartbook, và giờ là AIC…

Ông Đỗ Minh Hoàng thông tin: 4.000 tỷ đồng là một số tiền rất lớn, nên phương án sử dụng bao nhiêu % nguồn vốn kinh phí của ngân sách TP để thực hiện sẽ vẫn còn phải bàn rất nhiều. Ngoài ngân sách thì muốn thực hiện đề án này, chắc chắn sẽ phải dùng tới nguồn xã hội hóa.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã dự tính rất nhiều giải pháp, nếu đề án này được đưa vào triển khai trên thực tế như: Nếu phụ huynh có khả năng mua đứt cho học sinh thì tốt, không thì sẽ cho mua trả góp trong nhiều năm, hoặc là thuê sử dụng theo từng năm với mức giá phù hợp. Ngoài ra, nếu gia đình nào thuộc diện chính sách thì sẽ được miễn phí.

Đề án này nếu được phê duyệt thì có thể sẽ triển khai thí điểm chứ không phải làm hết ở tất cả các trường. Mỗi quận huyện sẽ chọn ra 1 – 2 trường, mỗi trường này sẽ chọn ra từ 1 – 2 lớp chứ không phải thực hiện hết tất cả các lớp học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cần sự đồng thuận của phụ huynh

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề án 4000 tỷ mua máy tính bảng cho học sinh phải có sự đồng ý của phụ huynh và chấp thuận của UBNDTP HCM và Bộ GD-ĐT. TP.HCM dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Vì vậy, người dân có thu nhập khá hơn nhiều địa phương khác, dân trí được nâng cao. Đặc biệt, giáo dục TP.HCM được sự quan tâm, đầu tư, chăm sóc của các cấp đảng uỷ, chính quyền. Phụ huynh cũng quan tâm việc học của con cái. Đại đa số học sinh TP.HCM thuận lợi trong học tập hơn so với các địa phương khác.

Vì vậy, việc đổi mới giáo dục ở TP.HCM có thể có những nghiên cứu, thực nghiệm đi trước các tỉnh thành khác, để đẩy nhanh quá trình đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, sự thực nghiệm phải có sự đồng tình của phụ huynh và được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Ví dụ, tuỳ nội dung thực nghiệm mà các cấp độ phải xin phép khác nhau, từ cấp phòng, cấp Sở tới cấp Bộ.

Quan trọng nhất là phải được sự đồng tình của phụ huynh.

Vấn đề tiếp theo là nội dung đề án này liên quan đến SGK, phạm vi đối tượng thử nghiệm, vì vậy nhất thiết phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT. Máy tính bảng liên quan tới kinh phí, phải xin phép thành phố.

Theo ông Định,  Nếu thấy nội dung đề án có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và có tính khả thi, Sở phải xin phép thành phố và Bộ GD-ĐT để thực hiện. Nếu không hiệu qủa chắc chắn phải dừng lại.


Hà Trang - Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang