Ứng dụng công nghệ cao: Động lực phát triển bền vững cho nông nghiệp Thanh Hóa

author 07:52 30/11/2024

(VietQ.vn) - Thanh Hóa đang nỗ lực chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao (CNC) giúp gia tăng năng suất, chất lượng và tạo ra giá trị gia tăng vượt trội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Chuyển mình mạnh mẽ từ định hướng phát triển bền vững

Hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tỉnh không chỉ đề cao sự cạnh tranh và tính bền vững mà còn gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Để hiện thực hóa định hướng này, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao. Song song đó, người dân được khuyến khích thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học công nghệ (KH&CN) tiên tiến nhằm cải tiến phương thức canh tác, từng bước hòa nhập với xu thế phát triển chung của thế giới.

Từ năm 2016, các xã và thị trấn tại huyện Như Thanh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Tại đây, nhiều mô hình trồng hoa, rau, củ, quả trong nhà lưới, nhà màng được triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Phương, xã Xuân Du, người tiên phong trồng hoa trong nhà lưới cho biết: “Mô hình nhà lưới giúp giảm côn trùng gây hại, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hoa phát triển đồng đều, tỷ lệ hoa đẹp đạt 90%, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường vào các dịp lễ, tết".

Để nâng cao năng suất, anh Phương còn lắp đặt hệ thống tưới tự động, giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công, đồng thời đảm bảo đồng bộ quy trình chăm sóc. Không chỉ trồng hoa truyền thống, anh còn thử nghiệm thành công các loại hoa đòi hỏi kỹ thuật cao như ly, cát tường, tạo ra sản phẩm đa dạng và độc đáo.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm. (Ảnh: baothanhhoa.vn)

Tại huyện Thọ Xuân, diện tích trồng hoa, rau, củ, quả an toàn trong nhà màng đã vượt 55ha, tập trung ở các xã Thọ Lâm, Xuân Hòa, Thọ Hải. Chị Lê Thị Tuyết, thôn Tỉnh Thôn 2, xã Xuân Hòa, người nhiều năm canh tác dưa kim hoàng hậu trong nhà màng, chia sẻ: "Nhờ hệ thống nhà màng bảo vệ, cây trồng hạn chế tối đa sâu bệnh, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc áp dụng công nghệ tưới phun tự động cũng giúp giảm công lao động và kiểm soát tốt các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng".

Nhờ những cải tiến này, sản phẩm của chị Tuyết đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Hiệu quả kinh tế từ mô hình nhà màng của chị tăng gấp 2,5-3 lần so với phương thức canh tác truyền thống.

Nga Sơn được xem là huyện tiên phong trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Từ diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích 550ha. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Hoàng Văn Long, xã Nga Bạch, là một ví dụ điển hình. Nhờ sự hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách, anh Long đã đầu tư xây dựng 1.500m² nhà màng. Kết quả, thay vì chỉ trồng 1-2 vụ dưa mỗi năm như trước đây, hiện anh có thể trồng 4 vụ, thu hoạch trên 10 tấn dưa mỗi năm với doanh thu hàng trăm triệu đồng.

"Trồng dưa lưới trong nhà màng giúp kiểm soát tốt sâu bệnh, không cần dùng hóa chất bảo vệ thực vật, quả dưa chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng," anh Long chia sẻ.

Huyện Nga Sơn cũng triển khai nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ 20 triệu đồng/1.000m² nhà màng, 23 triệu đồng cho các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và cải thiện hạ tầng nông nghiệp, từ kênh mương đến giao thông nội đồng.

Thành quả đáng ghi nhận và thách thức phía trước

Tính đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 170ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng nhà màng, nhà lưới; 765ha sản xuất theo hướng hữu cơ; 80.000ha sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình ứng dụng CNC vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,5-3 lần so với sản xuất thông thường.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại áp dụng tự động hóa, công nghệ biogas xử lý chất thải; thủy sản cũng ứng dụng CNC trong nuôi tôm, ngao theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư vào nghiên cứu giống cây trồng, công nghệ sinh học và ứng dụng công nghệ số để quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn lớn. Quy mô ứng dụng CNC còn nhỏ, số lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường và tư duy sản xuất truyền thống vẫn phổ biến tại nhiều địa phương.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, Thanh Hóa cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của CNC. Tỉnh cũng cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, hỗ trợ vốn và đào tạo kỹ thuật, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản xuất.

Với những bước đi mạnh mẽ và định hướng đúng đắn, nông nghiệp Thanh Hóa đang từng bước chuyển mình, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang